Theo đó, thực hiện Thông tư 33/2014/TT-BNNPTNT, thời gian qua việc kiểm dịch đối với hàng hoá xuất khẩu trong đó có mặt hàng hồ tiêu được thực hiện theo phương thức kiểm tra xác xuất. Bản thân các doanh nghiệp xuất khẩu trước khi hàng đi đều phải đảm chất lượng theo quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu bởi doanh nghiệp luôn phải giữ chữ “tín” để tồn tại. Với cách kiểm soát như vậy, suốt thời gian qua mặt hàng hồ tiêu Việt Nam đã được xuất khẩu thuận lợi.
Tuy nhiên, từ giữa tháng 7/2017 đến nay, cơ quan kiểm dịch lại yêu cầu 100% hàng hoá trước khi xuất khẩu phải được kiểm tra rồi mới cấp chứng thư kiểm dịch. Với một khối lượng hàng hoá khổng lồ như hiện nay, trong khi điều kiện lực lượng kiểm dịch đang rất mỏng, không đủ người để kiểm hàng nên hàng loạt container đang bị nằm ở cảng, hàng bị giao trễ, nguy cơ vi phạm hợp đồng là rất cao.
Trao đổi với báo Hải quan, bà Nguyễn Mai Oanh, Phó Chủ tịch VPA cho biết, thời gian qua tuy các rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu ngày một khó nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam vẫn nỗ lực không ngừng để đáp ứng các tiêu chuẩn đó. Do đó, việc yêu cầu kiểm dịch 100% lô hàng xuất khẩu là không phù hợp, tạo gánh nặng thủ tục hành chính và chi phí cho doanh nghiệp. Hiện tại, tất cả 20 doanh nghiệp dẫn đầu về xuất khẩu hồ tiêu của VPA đều gặp khó từ quy định này.
Từ thực tế đố, VPA đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho duy trì công tác kiểm dịch theo cách cũ để tránh ảnh hưởng tới tiến độ xuất khẩu của doanh nghiệp.
Theo Baohaiquan.vn