Trong đó, có 8 nhóm hàng tăng nhẹ so với tháng trước gồm: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,81%); nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,72%; nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,02%, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,12%; nhóm giao thông tăng 0,60%); nhóm giáo dục tăng 0,01%; nhóm văn hóa giải trí du lịch tăng 0,33%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,75%. 3 nhóm hàng giảm gồm: nhóm nhà ở điện nước giảm 0,10%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,03%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,18%. Trong nhóm hàng ăn, lương thực tăng 0,92%; trong đó, giá gạo tăng 1,20%, bột mì ngũ cốc tăng 2,36%, riêng giá lương thực chế biến giảm 0,15%.
Cục Thống kê TP.HCM cho biết, giá gạo bán lẻ trong tháng 2 tăng khá, chủ yếu là do tác động từ việc xuất khẩu gạo. Việt Nam trúng thầu xuất khẩu gạo sang Indonesia với số lượng trúng thầu khoảng 140.000 tấn. Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu gạo từ các thị trường tiêu thụ chính như Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Hàn Quốc… dự báo sẽ tăng cao trong năm 2018, việc mở rộng xuất khẩu gạo tới các thị trường mới như Bangladesh, Iraq… cũng góp phần đưa xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng mạnh.
Giá thực phẩm tăng 0,90% so với tháng trước chủ yếu là do nhu cầu tiêu dùng tăng vào dịp Tết Nguyên đán như thịt heo tăng 0,23%, thịt bò tăng 0,69%, gia cầm tươi sống tăng 1,87%, thịt chế biến tăng 0,73%, trứng các loại tăng 0,30%, thủy sản tươi sống tăng 1,97%, thủy sản chế biến tăng 2,50%, trái cây các loại tăng 3,06%, bánh mứt kẹo tăng 1,25%…
Bên cạnh đó, một số nhóm mặt hàng giảm nhẹ so tháng trước như rau các loại giảm 0,46%, đồ gia vị giảm 0,29%; đường mật giảm 0,76%. Nhìn chung, tốc độ tăng giá của một số nhóm hàng thiết yếu cho nhu cầu tiêu dùng Tết hầu như không biến động nhiều, điều này là sự đóng góp rất lớn từ chương trình bình ổn giá của Thành phố, hàng hóa dự trữ dồi dào, góp phần ổn định giá cả.
Theo thông tin ghi nhận được tại thị trường TP.HCM trong dịp Tết, hoạt động mua sắm Tết tại TP.HCM diễn ra sôi động và tăng mạnh vào những ngày giáp Tết, nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá được triển khai để kích cầu tiêu dùng. Các doanh nghiệp tham gia chương trình Bình ổn thị trường đã xây dựng kế hoạch sản xuất, dự trữ và phân phối hàng hóa từ rất sớm. Do vậy, không xảy ra hiện tượng khan hàng trong dịp Tết, hàng hóa chất lượng, phong phú và đa dạng đáp ứng được nhu cầu của người dân Thành phố.
Theo số liệu của Cục Thống kê TP.HCM cho thấy, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên địa bàn TP.HCM trong tháng 2 ước đạt 82.500 tỷ đồng. Ước tính 2 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt trên 169.243 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Baohaiquan.vn