Nóng buôn lậu qua hàng quá cảnh
Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia Đàm Thanh Thế cho biết, trong thời qua, Thường trực Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã làm việc với một số cơ quan thường trực của các cơ quan chức năng về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và đã nhận diện tiếp thu rất nhiều giải pháp trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại. Tại các tỉnh, thành phố trọng điểm khu vực miền Đông Nam bộ, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trong 6 tháng đầu năm 2017 tuy có giảm hơn so với cùng kỳ năm 2016, song vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Nổi lên trong thời gian qua là vấn đề lợi dụng chính sách XNK như quá cảnh, chuyển khẩu, gia công chuyển tiếp, chuyển giá để buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế…
Theo Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM Phạm Quốc Hùng, ngoài chiêu trò nhập nhiều khai ít; khai sai xuất xứ hàng hóa, mã số hàng hóa… để gian lận thuế, thủ đoạn mới trong thời gian qua là việc lợi dụng hàng quá cảnh, hàng trung chuyển, chuyển cửa khẩu để buôn lậu, gian lận thương mại. Trước thực trạng buôn lậu, gian lận thương mại phức tạp, thủ đoạn tinh vi, Cục Hải quan TP.HCM đặc biệt quan tâm đến các đối tượng trọng điểm, như, thường xuyên sửa chữa tờ khai hải quan, thường xuyên khai báo mập mờ trong hồ sơ DN... Đơn vị đã lập kế hoạch và chuyên án để phối hợp với cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn. Trong 6 tháng đầu năm 2017, Hải quan TP.HCM đã phát hiện 710 vụ việc, phạt tiền hơn 18 tỷ đồng, khởi tố 14 vụ án liên quan đến buôn lậu, chuyển cơ quan chức năng đề nghị khởi tố 5 vụ việc. Đặc biệt hàng hóa vi phạm bị phát hiện là hàng cấm, như: hàng điện lạnh, điện tử đã qua sử dụng, sản phẩm động vật hoang dã…
Ngoài việc lợi dụng làm thủ tục tại Hải quan TP.HCM, DN còn làm thủ tục hải quan ở các địa phương khác. Có những hồ sơ đăng ký tại Hải quan Bình Phước, nhưng khi hàng về cảng, cơ quan Hải quan tổ chức khám xét ngay tại cửa khẩu và đã phát hiện vi phạm. Đại diện PC46- Công an TP.HCM cho biết, các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn mới nhằm đối phó với cơ quan quản lý nhà nước, phương thức thủ đoạn buôn lậu luôn thay đổi. Chẳng hạn, sau khi cơ quan chức năng tập trung kiểm tra kiểm soát, bắt giữ nhiều vụ buôn lậu qua loại hình hàng quá cảnh tại TP.HCM, các đối tượng chuyển hướng mở tờ khai tại các tỉnh lân cận chuyển cửa khẩu đưa về các tỉnh, hay nhập hàng quá cảnh để đưa sang nước thứ ba, nhưng sau đó đưa về lại thị trường nội địa tiêu thụ.
Dùng giấy tờ giả
Tại hội nghị, nhiều đại biểu tỏ ra lo lắng, băn khoăn về kẽ hở lớn mà các đối tượng buôn lậu đang lợi dụng hiện nay là thủ tục thành lập DN quá thông thoáng, các đối tượng đã dùng giấy tờ giả để thành lập DN. Đáng chú ý, hầu hết DN buôn lậu bị phát hiện trong thời gian qua là DN "ma", giám đốc DN thuê mướn. Theo Phó Cục trưởng Phạm Quốc Hùng, qua quá trình điều tra, xác minh các DN vi phạm pháp luật hải quan, cơ quan Hải quan phát hiện phần lớn DN mới được thành lập, không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh; giám đốc DN không hay biết gì về hoạt động của công ty, thậm chí giám đốc DN còn bị bệnh tâm thần đang điều trị tại bệnh viện, có trường hợp giám đốc bán lẩu cá, là sinh viên đang đi xin việc làm…!
Chẳng hạn trường hợp của Công ty TNHH TM DV Giao nhận hàng hóa XNK Trọng Nguyễn. Vào đầu tháng 6/2017, công này đứng tên nhập khẩu lô hàng từ Nhật Bản về Việt Nam qua cảng Cát Lái- TP.HCM. Trên tờ khai hải quan, DN khai báo hải quan hàng nhập khẩu là rổ nhựa. Nghi vấn chứa hàng lậu, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 phối hợp với Đội Kiểm soát Hải quan – Cục Hải quan TP.HCM khám xét, phát hiện toàn bộ lô hàng là hàng điện tử, đều đã qua sử dụng, thuộc danh mục cấm nhập khẩu. Qua điều tra xác minh đối với Công ty TNHH TM DV Giao nhận hàng hóa XNK Trọng Nguyễn, Đội Kiểm soát Hải quan phát hiện giám đốc DN này đã và đang được điều trị bệnh tâm thần tại bệnh viện!?
Bức xúc về vấn đề này, đại diện PC46 Công an TP.HCM cho biết, qua các vụ vi phạm bị phát hiện cho thấy, các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại đều dùng giấy tờ giả để thành lập DN. Bên cạnh đó, việc mở tài khoản ngân hàng cũng quá dễ, cũng đã bị lợi dụng. Từ các vụ vi phạm, Công an mở rộng điều tra, truy theo tài khoản thanh toán thì phát hiện đối tượng dùng giấy tờ giả mở tài khoản ngân hàng, rất khó khăn cho việc truy xét, bắt các đối tượng vi phạm.
Từ những sở hở nêu trên, đại diện Ban 389 các tỉnh đặt vấn đề về việc kiểm tra nhân thân người đứng đầu DN của Sở Kế hoạch và Đầu tư khi thực hiện cấp phép, cơ quan đã làm gì để cấp phép thành lập các DN mà giám đốc không có thật, trụ sở DN là địa chỉ ma… rất khó khăn trong công tác điều tra, xử lý.
Trong 6 tháng đầu 2017, các lực lượng thuộc Ban 389 4 tỉnh miền Đông Nam bộ đã kiểm tra, xử lý trên 21.000 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách gần 3.400 tỷ đồng. Trong đó, TP.HCM kiểm tra, xử lý 14.000 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách gần 2.300 tỷ đồng; Đồng Nai kiểm tra, xử lý gần 3.600 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 700 tỷ đồng; Bình Dương kiểm tra, bắt giữ gần 2.400 vụ, nộp ngân sách trên 213 tỷ đồng; Bà Rịa- Vũng Tàu phát hiện trên 1.000 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 175 tỷ đồng. |