Quản chặt DN có "rủi ro"
Theo báo cáo của ngành Thuế, 6 tháng đầu năm 2017, cơ quan Thuế các cấp đã thanh tra, kiểm tra được 36.664 DN, đạt 40,5% kế hoạch năm 2017, bằng 111,7% cùng kỳ năm 2016. Tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 7.643,9 tỷ đồng, bằng 134,07% cùng kỳ năm 2016. Số tiền thuế nộp vào NSNN là 3.429,92 tỷ đồng, đạt 44,87% số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra và bằng 147,42% so với cùng kỳ năm 2016.
Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Mạnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế kiêm Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội nêu: Một vướng mắc mà cơ quan Thuế Thủ đô đang gặp phâi là việc triển khai Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DN nhằm tránh các đơn vị thanh tra, kiểm tra chồng chéo gây phiền hà cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, do đặc thù, ngành Thuế phải có nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra một số nội dung, ví dụ như kiểm tra sau hoàn thuế, hồ sơ hoàn thuế buộc phải có nhưng nếu DN đề nghị hoàn thuế đã tiếp một đoàn thanh tra, kiểm tra về một vấn đề khác rồi thì cơ quan Thuế không triển khai được. Như vậy, không đảm bảo nhiệm vụ được giao.
Cùng chung “nỗi lo”, đại diện Cục Thuế Thanh Hóa, Cục Thuế Đà Nẵng cũng cũng kiến nghị Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính có hướng dẫn cụ thể việc triển khai Chỉ thị này để tránh ảnh hưởng đến hoạt động quản lý rủi ro tại địa phương.
Tham gia ý kiến, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng: Các đơn vị cần quán triệt và chỉ đạo đúng việc thực hiện Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ. Trong Chỉ thị, bên cạnh yêu cầu thanh tra, kiểm tra không trùng lắp, chồng chéo nhưng Thủ tướng cũng đồng thời yêu cầu phải thực hiện tăng tỷ trọng thanh tra, kiểm tra thuế đối với đối tượng có rủi ro cao về thuế.
Giải quyết vấn đề này, Thứ trưởng đề nghị Thanh tra Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Tổng cục Thuế để soạn thảo, ban hành Thông tư thực hiện Chỉ thị 20 đối với ngành Tài chính, trong đó chỉ rõ phạm vi, nội dung, đối tượng cụ thể của công tác thanh tra, kiểm tra.
“Nội dung nào trùng, nội dung nào không trùng ngay trong bản thân cơ quan Thuế, giữa thanh tra của các đơn vị thuộc ngành Tài chính và giữa thanh tra của ngành Tài chính với thanh tra của các bộ, ngành khác. Chúng ta mạnh dạn xin Chính phủ cho phép được thanh tra, kiểm tra trùng vì lĩnh vực khác nhau, đối tượng khác nhau thì vẫn nhằm quản lý những vấn đề khác nhau. Thậm chí, có những nội dung thanh tra, kiểm tra là quyền lợi DN được hưởng chứ không phải tất cả đều là trách nhiệm, nghĩa vụ. Cần thiết, Bộ sẽ xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp và Thanh tra Chính phủ trước khi ban hành” - Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh.
Sửa Luật Quản lý thuế trong năm 2018
Về thu hồi nợ đọng thuế, từ đầu năm 2017, Tổng cục Thuế đã xây dựng và giao chỉ tiêu thu nợ thuế năm 2017 đến từng đơn vị, chỉ đạo các đơn vị tăng cường áp dụng các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định, quy trình quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế.
Tính đến 31/5/2017, tổng số tiền thuế nợ 63 Cục Thuế đã đôn đốc, thu hồi được 22.076 tỷ đồng, đạt 46,7% số tiền thuế nợ tại thời điểm 31/12/2016, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2016.
Tổng số nợ thuế của toàn Ngành tính đến thời điểm 31/5/2017 là 75.534 tỷ đồng, tăng 1.390 tỷ đồng (1,9%) so với thời điểm 31/12/2016, trong đó tiền thuế nợ (có khả năng thu) đến 90 ngày và trên 90 ngày là 48.207 tỷ đồng; tiền thuế nợ của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh (không có khả năng thu hồi) là 27.327 tỷ đồng.
Tuy công tác thu đòi nợ thuế đạt khá so với những năm trước, song, các địa phương vẫn khá “trăn trở”. Ông Nguyễn Văn Phong - Cục trưởng Cục Thuế Tây Ninh kiến nghị Bộ Tài chính cho phép khoanh các khoản nợ, chậm nộp của các trường hợp DN phá sản, DN bỏ trốn,... Tương tự, đại diện Cục Thuế Hà Nội cũng đề xuất sửa đổi tiêu chí phân loại nợ làm sao phản ánh đúng bản chất của các khoản nợ có thu vì có một số khoản đưa vào nợ có khả năng thu nhưng thực tế khó có thể thu được. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đề nghị Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính xem xét quy trình quản lý nợ đối với đối tượng hộ kinh doanh, nợ bán lạ; tính tiền chậm nộp với nợ có thu; điều chỉnh tiền chậm nộp trên hệ thống,... để thuận lợi hơn cho hoạt động nghiệp vụ.
Theo Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, “gánh nặng” nợ khó thu của ngành Thuế vẫn chưa được giải quyết vì chưa có cơ sở pháp lý. Tuy thực tế “DN đã chết”, nhiều trường hợp cơ quan Thuế đã chuyển sang cơ quan chức năng khác để khởi tố nhưng số nợ thì vẫn còn đó, thậm chí số tiền lãi do nợ, lãi phạt chậm nộp vẫn phải tính cộng thêm hàng ngày.
Do vậy, việc cần làm ngay là phải chuẩn bị xây dựng Luật Quản lý Thuế mới thay thế Luật năm 2005 ngay từ những tháng cuối năm 2017 để đưa ra trình vào năm 2018. “Muốn giải quyết 27 nghìn tỷ của DN đã chết rồi thì phải có Luật. Ngành Thuế cần coi đây là nhiệm vụ quan trọng để triển khai bên cạnh việc nỗ lực thu đòi các khoản có thể thu, quyết tâm không để phát sinh gia tăng nợ mới, làm sao cho tổng nợ dưới 5% thực thu vào NSNN” - Thứ trưởng lưu ý.
heo Báo hải quan