Bộ KH&ĐT cho biết, Quy hoạch phát triển các KKTCK của Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 52/2008/QĐ-TTg ngày 25/4/2008, theo đó cả nước có 26 KKTCK với tổng diện tích hơn 660 nghìn ha và đã có 21 trong tổng số 25 tỉnh biên giới đất liền có KKTCK được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, hiện còn 4 tỉnh dự kiến sẽ thành lập KKTCK.
Về kết quả hoạt động, trong thời gian qua, hoạt động của khu KTCK đã đóng một vai trò hết sức quan trọng trong quá trình phát triển nền kinh tế của tỉnh, của vùng có KTCK nói riêng và của cả nước nói chung.
Theo đó, tổng kim ngạch XNK qua các KKTCK đạt tốc độ tăng trưởng cao qua các năm. Năm 2015, tổng kim ngạch XK qua các KKTCK đạt 13,5 tỷ USD, tăng 2,5 lần so với năm 2010 và tăng gần 8 lần so với năm 2005. Tốc độ tăng trưởng bình quân của giai đoạn 2006-2010 đạt 25%, giai đoạn 2011-2015 đạt 20%; cao hơn tốc độ tăng trưởng XNK chung của cả nước trong cùng thời kỳ.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho biết, tổng thu NSNN qua các KKTCK năm 2015 đạt trên 10.000 tỷ đồng, tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2010, trong đó tập trung chủ yếu tại các KKTCK giáp với Trung Quốc.
Về kết quả thu hút đầu tư: đến nay, các KKTCK trên cả nước đã thu hút được khoảng 800 dự án đầu tư, trong đó có 700 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký đầu tư trên 50.000 tỷ đồng và khoảng 100 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký là 700 triệu USD.
Tuy nhiên, báo cáo cũng cho biết một số vấn đề đặt ra đối với mô hình KKTCK. Cụ thể, việc lập quy hoạch chung KKTCK và quy hoạch chi tiết trong KKTCK triển khai còn chậm và chất lượng chưa cao. Một số KKTCK còn thiếu quy hoạch chung xây dựng, dẫn đến các dự án đầu tư xây dựng được lập chỉ dựa vào quy hoạch chi tiết các khu chức năng nên có hiện tượng đầu tư dàn trải, thiếu sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Bên cạnh đó, quy mô nguồn vốn còn nhỏ nên cơ cở hạ tầng tại các KKTCK chưa được đầu tư đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Các KKTCK thường nằm tại các địa phương, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn nên chủ yếu vẫn dựa vào nguồn ngân sách trung ương để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng.
Tuy nhiên, do nguồn ngân sách hết sức hạn chế, trong khi nhu cầu đầu tư phát triển của các KKTCK rất lớn dẫn đến nhiều KKTCK gặp khó khăn trong việc triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ. Hiện tại, tính trung bình, nhu cầu nguồn vốn ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng tại các KKTCK hàng năm khoảng 1.500-1.700 tỷ đồng, trong khi ngân sách mới hỗ trợ được khoảng 600-700 tỷ đồng/năm.
Ngoài ra, Bộ KH&ĐT cũng cho biết, thu hút đầu tư sản xuất, kinh doanh vào các KKTCK gặp nhiều khó khăn, cơ chế chính sách phát triển KKTCK còn bất cập, vướng mắc.
Theo đó, do vị trí địa lý của mình, phần lớn các KKTCK hiện nay đều gặp khó khăn trong thu hút DN đầu tư sản xuất kinh doanh tại KKTCK. Bên cạnh đó, quá trình triển khai cơ chế, chính sách phát triển KKTCK có một số vướng mắc: chưa có chính sách ưu đãi đột phá đối với các KKTCK và thiếu sự ổn định trong các cơ chế, chính sách tài chính ban hành.
Các KKTCK đều ở khu vực biên giới, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, để huy động được các DN đến đầu tư sản xuất, kinh doanh cần có các cơ chế, chính sách đặc biệt ưu đãi, ổn định. Tuy nhiên, hiện tại, các cơ chế, chính sách tài chính đối với KKTCK được xây dựng dựa trên các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành nên chưa có các ưu đãi đặc thù và thiếu sự ổn định.
Theo Baohaiquan