Rà soát cam kết TPP để tránh đáo tụng đình
Công bố kết quả rà soát pháp luật Việt Nam với các cam kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) về đầu tư, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho biết, tin mừng là pháp luật Việt Nam đã tương thích với phần lớn cam kết TPP về đầu tư, đặc biệt đối với các nguyên tắc cơ bản như đối xử quốc gia (NT), đối xử tối huệ quốc (MFN), tuy nhiên, vẫn có những quy định chưa tương thích hoàn toàn
Chẳng hạn, liên quan đến cam kết TPP về bồi thường trong trường hợp tước quyền sở hữu, xung đột vũ trang, bạo loạn dân sự. Hay thậm chí là chưa tương thích, như liên quan đến chuyển tài sản ra nước ngoài.
“Pháp luật Việt Nam quy định về các trường hợp được phép chuyển tiền, trong khi TPP lại quy định các trường hợp có thể hạn chế chuyển tiền. Như vậy là cách tiếp cận khác nhau”, bà Trang nêu ví dụ và cho rằng, trong trường hợp này, có thể áp dụng trực tiếp hoặc đưa vào các văn bản riêng về thực thi TPP liên quan đến đầu tư.
. |
Những quy định của pháp luật Việt Nam chưa tương thích hoàn toàn, hoặc không tương thích khác cũng được bà Trang đưa ra đề xuất xử lý tương tự. Tuy nhiên, theo bà Trang, điều quan trọng trong trường hợp này không phải chỉ là sửa đổi các quy định pháp luật cho phù hợp với các cam kết TPP, mà phải làm sao để có cơ chế kiểm soát và đảm bảo tuân thủ ở cả khâu thực thi.
Trên thực tế, ngay sau các thông tin liên quan tới việc Hiệp định TPP sẽ được ký kết, rất nhiều quan điểm của các chuyên gia kinh tế, các nhà làm luật đã lo ngại rằng, Việt Nam có thể bị nhà đầu tư nước ngoài kiện nếu không tuân thủ các cam kết TPP.
“Có một nguyên tắc mà nhà đầu tư nước ngoài sẽ áp dụng nhiều để đi kiện Chính phủ nơi tiếp nhận đầu tư. Đó là nguyên tắc đối xử tối thiểu. Rà soát về mặt pháp luật, thì Việt Nam đã tương thích. Nhưng thế nào là chuẩn đối xử tối thiểu lại chưa được quy định cụ thể, do vậy, trong quá trình thực thi rất dễ bị các nhà đầu tư nước ngoài viện cớ để kiện cáo”, bà Trang nói.
Ông Phạm Mạnh Dũng, Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH Rajah & Tann LCT Lawyers, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thừa nhận thực tế như vậy và cho rằng, sự “tương thích cơ bản” trong báo cáo của VCCI mới chỉ dựa trên việc thuần túy rà soát các quy định pháp luật khung, chứ chưa tính tới các quy định của địa phương và cũng chưa đề cập những vướng mắc trong khâu thực thi.
“Việc rà soát các quy định của TPP và pháp luật Việt Nam cần tập trung vào nguyên tắc mở cửa thị trường liên quan đến đầu tư nước ngoài. Cái này trong các quy định pháp luật và thực tiễn thi hành có nhiều bất cập, không rõ ràng”, ông Dũng nói.
Một ví dụ mà ông Dũng nhắc tới là trong Hiệp định TPP và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có quy định: “Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đã được phép hoạt động trong những ngành, phân ngành mà không được quy định trong các cam kết WTO và các điều ước quốc tế khác và quy định Việt Nam cũng không quy định, nếu các ngành, phân ngành này đã được phép và được công bố trên cổng thông tin quốc gia về đầu tư, thì nhà đầu tư được phép thực hiện”. Tuy nhiên, hiện chưa có phân ngành nào được công bố trên cổng thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài, mặc dù có không ít nhà đầu tư nước ngoài đã được cấp phép hoạt động trong hàng thập kỷ qua.
“Vấn đề đặt ra là, có cần công bố trên cổng thông tin hay không? Việc công bố có phải là được phép không, điều gì xảy ra nếu không được công bố trên cổng thông tin? Việc áp dụng nguyên tắc MFN trong TPP và EVFTA sẽ như thế nào?”, ông Dũng đặt câu hỏi.
Trong khi đó, các cam kết liên quan đến bảo hộ đầu tư trong TPP cho phép nhà đầu tư đưa ra trọng tài quốc tế giải quyết các tranh chấp với Chính phủ ngay từ giai đoạn chuẩn bị dự án, cấp phép, chứ không phải chỉ ở giai đoạn triển khai.
“Ngay trong giai đoạn đề xuất dự án, nếu nhà đầu tư cảm thấy có phân biệt đối xử, thì họ có thể kiện Chính phủ, kiện các cơ quan quản lý nhà nước. Hoặc giả, trong trường hợp hai bên đã có những thỏa thuận ban đầu, như cho phép nhà đầu tư đầu tư dự án BOT, họ đã đề xuất dự án, cơ quan quản lý đã đồng ý và họ đã thực hiện đúng các cam kết, nhưng cuối cùng không rõ lý do lại từ chối thì họ cũng có thể kiện”, một lãnh đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Bởi vậy, theo ông Dũng, dù TPP mới là “lời hứa”, nhưng ngay từ lúc này, phải tập trung rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật, đồng thời đảm bảo thực thi hiệu quả.
Theo baodautu
Các tin khác
- » Thêm ưu đãi thuế Thu nhập cá nhân cho nhân lực trình độ cao(16/08/2016)
- » Hải quan TP.HCM kiến nghị nhiều nội dung thúc đẩy hoạt động XNK(16/08/2016)
- » Kiểm điểm người đứng đầu đơn vị để 213 container "mất tích"(16/08/2016)
- » Chịu tác động từ các FTA, số thu của Hải quan giảm mạnh(16/08/2016)
- » Ngăn ngừa doanh nghiệp lữ hành làm ăn chụp giật(16/08/2016)
- » TP.HCM: CPI chỉ tăng nhẹ trong tháng 2(16/08/2016)
- » Cá ngừ xuất khẩu cần tăng lượng chế biến(16/08/2016)
- » Ấn Độ- Top 20 bạn hàng lớn nhất của Việt Nam(16/08/2016)
- » Điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục cải thiện mạnh mẽ(16/08/2016)
- » Đình chỉ công tác 7 cán bộ công chức KBNN Nam Định đi lễ trong giờ hành chính(16/08/2016)