GCNNL TAU BIEN
PONTON ĐAT CAU
PONTON ĐAT CAU 1
TÀU CONTAINER 200 TIÊU
TAU DAU 1
TAU DAU
TÀU CONTAINER 250 TIÊU 1
TÀU CONTAINER 250 TIÊU.
GCNNLCS-8000T
TRANSIMEX 200.
TRANSIMEX 200
TÀU ĐÓNG CỌC
SP-ITC-07
SP-ITC-06-1
SP-ITC-06
CẦN THƠ 17
Tàu Dầu Đồng Tháp 9
Image Slider

Những điểm sáng về thu hút đầu tư nước ngoài

Ngày Đăng : 25/07/2017 - 03:59 PM

Trong 6 tháng đầu năm, tại các địa phương ở phía Nam là: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương đã thu hút nhiều dự án có vốn đầu tư đăng ký lớn và nhiều dự án điều chỉnh tăng vốn, góp vốn, trở thành điểm sáng đầu tư của cả nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm (thứ tư từ trái qua) trao giấy phép cho các nhà đầu tư đợt 1/2017​​​.

Thu hút đầu tư tăng trưởng cao

 

Theo thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài- Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2017, cả nước có 1.183 dự án mới được cấp GCNĐT với tổng vốn đăng ký là 11,83 tỷ USD, tăng 57,9% so với cùng kỳ năm 2016; có 549 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 5,14 tỷ USD, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm 2016 và 2.501 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 2,24 tỷ USD, tăng 97,6% so với cùng kỳ 2016. Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 19,22  tỷ USD, tăng 54,8% so với cùng kỳ năm 2016.

 

Theo UBND TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2017, TP.HCM đã thu hút được 2,15 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó có 340 dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 375 triệu USD; có 91 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư hơn 346 triệu USD. Ngoài ra, TP.HCM cũng chấp thuận cho 915 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp trong các doanh nghiệp thành phố với tổng vốn góp đăng ký 1,15 tỷ USD. Trong số các dự án FDI được cấp mới, công nghiệp chế biến, chế tạo có vốn đầu tư nhiều nhất (33,1%) với 124 triệu USD; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ôtô, môtô, xe máy chiếm 29,4% với 110 triệu USD; thông tin và truyền thông chiếm 15% với 56,23 triệu USD...

Trong 6 tháng đầu năm 2017,  Bình Dương thu hút đầu tư trên 1,8 tỷ USD, trong đó có nhiều dự án FDI mới và tăng vốn với vốn đầu tư cao. Trong số đó có dự án phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III, với tổng vốn đầu tư hơn 284,7 triệu USD do liên doanh Việt Nam - Singapore đầu tư. Dự án của Công ty cổ phần Tetra Pak Bình Dương (Singapore) có vốn đầu tư đăng ký 124 triệu USD tại Khu công nghiệp VSIP II-A. Dự án của tập đoàn Hàn Quốc  Kolon Industries Inc,.được cấp phép đầu tư nhà máy sản xuất sợi lốp polyester HMLS để làm vật liệu gia cố cho lốp xe ô tô có vốn đầu tư 220 triệu USD. Về tăng vốn,  Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Đài Loan) đã tăng thêm 485,8 triệu USD vốn đầu tư đăng ký, nâng tổng vốn đầu tư sau khi tăng thêm là 760 triệu USD tại Khu công nghiệp Bàu Bàng, huyện Bàu Bàng, chuyên sản xuất sản phẩm xơ tổng hợp polyester, sản phẩm kéo sợi cotton.

Còn tại Đồng Nai, đã có hơn 700 triệu USD vốn đầu tư vào địa phương này trong 6 tháng đầu năm. Các dự án có vốn đầu tư cao như dự án Công ty TNHH Pou Phong Việt Nam vốn đầu tư đăng ký 55 triệu USD (British Virgin Islands); Dự án Công ty TNHH Powerknit Việt Nam vốn đầu tư đăng ký 60 triệu USD. Đặc biệt, tại Đồng Nai có nhiều dự án tăng vốn như Dự án Công ty cổ phần Chang Hae Việt Nam của Hàn Quốc với vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 20 triệu USD; Dự án Công ty TNHH Full way của Marshall tại KCN Biên Hòa 2 với vốn đầu tư đăng ký tăng thêm trên 30 triệu USD; Dự án Công ty TNHH sợi Long Thái Tử của Hàn Quốc tại KCN Long Khánh với vốn đầu tư đăng ký tăng thêm trên 50 triệu USD.

Cải thiện môi trường đầu tư

Ngoài việc triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút vốn đầu tư và tạo điều kiện trong quá trình cấp giấy phép, các tỉnh phía Nam quan tâm đến nhiều hơn trong các hoạt động hỗ trợ nhà đầu tư sau khi cấp phép, tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư, vì qua thực tế, tiếng nói các nhà đầu tư đang hoạt động có ý nghĩa rất lớn đối với các nhà đầu tư mới. Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương, tỉnh này đã ban hành Chương trình và kế hoạch đổi mới thu hút đầu tư của tỉnh, triển khai tốt những giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Phát biểu tại buổi lễ trao giấy phép đầu tư đợt 1/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm nhấn mạnh, để Bình Dương tiếp tục là địa chỉ đáng tin cậy, là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, trong thời gian tới, lãnh đạo tỉnh và các cấp, các ngành trong tỉnh Bình Dương sẽ tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách về phát triển kinh tế- xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế. Tỉnh cũng huy động mọi nguồn lực để tiếp tục đầu tư xây dựng ngày càng hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; triển khai thực hiện linh hoạt các giải pháp nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp an tâm đầu tư và hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Tại buổi tiếp ông Kadowaki Keiichi, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh, lãnh đạo TP.HCM cũng như lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đều nhấn mạnh, các địa phương tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động trên địa bàn mở rộng đầu tư và mời gọi đầu tư mới và mong muốn thời gian tới, doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục đầu tư trên lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao… Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh cho biết những khó khăn của doanh nghiệp Nhật Bản được chính quyền kịp thời giải quyết. Tới đây, hiệp hội sẽ kết nối để nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào các địa phương  hơn nữa.

Tại Đồng Nai, địa phương này đã ban hành kế hoạch hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, trong đó, tập trung việc tăng cường xây dựng, tạo lập môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, thông thoáng góp phần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi,  bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp... Riêng đối với các doanh nghiệp Nhật Bản, tỉnh đã thành lập bàn Kansai tại Ban Quản lý các khu công nghiệp để làm cầu nối xử lý thông tin nhanh từ phía các doanh nghiệp Nhật Bản nói chung và các doanh nghiệp vùng Kansai nói riêng liên quan đến đầu tư tại Đồng Nai.

Qua kết quả thu hút đầu tư nước ngoài 6 tháng đầu năm cho thấy, việc trực tiếp tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư tại các nước trọng điểm của các địa phương đã phát huy hiệu quả cao khi các nhà đầu tư trực tiếp nhận được thông tin từ chính quyền về môi trường, thủ tục, chính sách ưu đãi đầu tư. Song song đó, việc quan tâm hỗ trợ các DN sau khi được cấp phép cũng góp phần quan trọng cải thiện môi trường đầu tư, là điểm nhấn để thu hút các nhà đầu tư mới. Việc quan tâm giải quyết nhanh chóng các vướng mắc của các nhà đầu tư liên quan đến chính sách thuế, hải quan, đất đai... cũng là một trong những điểm cộng để giữ chân nhà đầu tư cũng như thu hút thêm các nhà đầu tư mới.

Trong những tháng còn lại của năm 2017 cũng như những năm tiếp theo, các địa phương phía Nam tiếp tục triển khai các chương trình xúc tiến đầu tư, nhất là chủ động tổ chức các đoàn công tác giới thiệu môi trường đầu tư của địa phương tại các nước, đa dạng hóa các kênh thông tin xúc tiến đầu tư, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư để tạo môi trường thuận lợi, thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư nước ngoài, góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Theo baohaiquan.vn

Chuyên mục

Dịch vụ

  • Gia công cơ khí
    Ngày tạo: 08-09-16
    Công ty TNHH MTV Tư Lai II nhận gia công trục chân vịt, trục bánh lái ...
  • Vận Tải
    Ngày tạo: 07-09-16
    Công ty TNHH MTV Tư Lai II luôn mang đến cho khách hàng dịch vụ vận chuyển đường...
Go Top