Vẫn chuyện NK máy móc thiết bị cũ
Tại Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) cuối kỳ năm 2016, nhiều DN đã đề nghị sửa đổi quy định của Thông tư 23/2015/TT-BKHCN (Thông tư 23) quy định việc NK máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Theo đó, Thông tư này cho phép NK máy móc, thiết bị sử dụng dưới 10 năm, đồng thời cần có chỗ để NK những máy móc, thiết bị hơn 10 năm. Tuy nhiên, vấn đề này đến VBF giữa kỳ năm 2017 vẫn tiếp tục “nóng”.
Ông Hiroshi Karashima, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam đề nghị, cơ quan lập pháp của Việt Nam cho phép các nhà đầu tư nhập máy móc, thiết bị đã qua sử dụng làm tài sản cố định của DN của họ, được phép mang máy móc, thiết bị đã qua sử dụng mà không tính đến hạn chế số năm sử dụng. Điều này giúp khuyến khích DN và nhà đầu tư nước ngoài di chuyển đến Việt Nam.
Đồng quan điểm, ông Jonathan Moreno, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Hoa Kỳ (AmCham) cho rằng, điều này không phù hợp với Hiệp định Thương mại về Rào cản Kỹ thuật của WTO vì đặt ra những hạn chế chuyên đoán, không dựa trên cơ sở khoa học cho hàng hóa NK. Một số thiết bị và máy móc sử dụng trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn, cũng như ngành công nghiệp ô tô và hàng không… có thời gian sử dụng từ 20 năm trở lên khi được liên tục bảo trì và tân trang.
Vì thế, đại diện của AmCham đề nghị Hải quan và Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) làm rõ những vấn đề này, các cơ quan nên thay thế quy định này bằng cách đề ra biện pháp quản trị rủi ro.
Giải thích về vấn đề này, tại VBF giữa kỳ 2017, Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Công Tạc cho biết, Việt Nam luôn có nhu cầu NK trang thiết bị vào nhưng đồng thời không muốn đưa thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng và gây ô nhiễm môi trường vào sử dụng, nên khi Bộ KHCN soạn thảo, ban hành Thông tư 23 đã phải lấy ý kiến của nhiều DN, chuyên gia.
“Sau khi áp dụng Thông tư, Bộ đã nhận được nhiều phản ánh của các đại sứ quán, DN và hiệp hội DN trong và ngoài nước. Nhưng trong Thông tư 23 có điểm mở cho việc NK máy móc thiết bị trên 10 năm là đối với các dự án mở rộng, dự án đầu mới và một số trang thiết bị đặc biệt. Do đó, các nhà NK, nhà đầu tư có thể dựa vào những quy định này để gửi các bộ liên quan cấp phép”, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho hay.
Bên cạnh đó, vị này còn cho biết, Nghị quyết 19-2017/NQ-CP đã yêu cầu sửa đổi Thông tư 23, với yêu cầu là phải phân biệt ngành hàng cho các loại thiết bị khác nhau. Bộ KHCN đã soạn thảo, gửi đến các cơ quan, DN lấy ý kiến đóng góp, hy vọng đến cuối năm sẽ có thông tư mới thay thế.
Việt Nam luôn tuân thủ các cam kết quốc tế
Một vấn đề mới tại VBF giữa kỳ năm nay là các DN đưa ra phản ánh về sự cần thiết của Kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT). Theo ý kiến của ông Fred Burke, Trưởng nhóm Công tác đầu tư và thương mại, không có bất kỳ tiêu chuẩn khách quan nào cho việc áp dụng ENT và tất cả những gì ENT đem lại là gây ra trở ngại cho các nhà bán lẻ nước ngoài muốn phát triển thị trường.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, ENT đã được các cam kết của WTO cho phép, nhiều thành viên trong WTO cũng áp dụng nhưng không có thành viên nào đưa ra tiêu chí rõ ràng.
Mặc dù Việt Nam áp dụng ENT, nhưng Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, ENT không hề ngăn cản các nhà bán lẻ nước ngoài đang có mặt “hết sức hoành tráng” tại Việt Nam. Hệ thống bán lẻ, cửa hàng tiện lợi của nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới đều hiện diện tại Việt Nam, trên thực tế còn chèn ép các nhà bán lẻ Việt Nam. “Nên việc áp dụng ENT không đem lại hiệu ứng cản trở các nhà bán lẻ nước ngoài tại Việt Nam”, ông Khánh nêu rõ.
Bên cạnh đó, ý kiến của nhiều DN và hiệp hội nước ngoài còn cho rằng, Việt Nam cần giải quyết hàng loạt các hàng rào kỹ thuật phi thuế quan đối với thương mại tại biên giới. Theo phản ảnh đại diện của AmCham, các bộ ngành khác nhau vẫn đưa ra yêu cầu kiểm tra từng lô hàng NK, bất chấp việc kiểm tra này đã được thực hiện bởi nhà sản xuất, hay đã có giấy chứng nhận vận chuyển đáng tin cậy đến Việt Nam.
Tuy vậy, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã khẳng định với các DN nước ngoài là: “Việt Nam luôn tuân thủ các quy định của WTO, nên Việt Nam chưa bao giờ bị kiện và thua kiện tại WTO. Nếu Việt Nam áp dụng các hàng rào phi thuế quan thì Việt Nam phải là nước xuất siêu, nhưng Việt Nam lại đang nhập siêu. Tất nhiên, các quy định ở biên giới còn nhiều điểm chưa minh bạch, gây phiền hà cho DN nên Chính phủ, các bộ, ngành sẽ luôn lắng nghe để cải thiện”.
Ngoài ra, nhóm Công tác Ngân hàng của VBF còn kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan thực hiện đánh giá tổng thể và rà soát những vướng mắc trở ngại trong quy định hiện hành về thanh toán và ngoại hối để thống nhất với Quyết định 33/2016 của Thủ tướng về hải quan điện tử, loại bỏ các yêu cầu chứng từ không cần thiết, cho phép tự động hóa toàn phần hệ thống thanh toán kết nối hải quan điện tử và nộp thuế điện tử giữa ngân hàng, hải quan, cơ quan thuế và các DN.
Theo Baohaiquan