Có làm khó doanh nghiệp?
Theo Luật Du lịch 2017 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018), các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa phải ký quỹ 100 triệu đồng thay vì không ký quỹ như trước. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp kinh doanh cả ba mảng gồm nội địa, kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế đến Việt Nam (inbound) và kinh doanh dịch vụ lữ hành với du khách ra nước ngoài (outbound) thì số tiền ký quỹ vẫn là 500 triệu đồng, không phải đóng thêm. Quy định này đang có khá nhiều ý kiến trái chiều từ phía các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, bởi một số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cho rằng quy định này sẽ làm khó khăn thêm cho DN khi mà tình hình kinh doanh vốn còn đang rất bấp bênh.
Ông Phan Mạnh Hải, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hải Anh cho biết, với một doanh nghiệp lữ hành nhỏ, mới bắt đầu khởi nghiệp như chúng tôi thì khoản ký quỹ 100 triệu đồng này không phải là nhỏ. Khoản ký quỹ này để đảm bảo nếu có các trường hợp tai nạn xảy ra thì khoản quỹ sẽ được sử dụng để giải quyết, khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, theo ông Hải, trên thực tế, với số tiền ký quỹ là 100 triệu đồng đối với mảng nội địa hay 250 triệu đồng đối với inbound và outbound là 500 triệu đồng để giải quyết sự cố cho một đoàn khách tầm vài chục người là không đủ. Đồng thời, nếu trong trường hợp các doanh nghiệp lữ hành phá sản hoặc muốn quay vòng vốn thì việc giải quyết khoản ký quỹ này sẽ được thực hiện ra sao, trong thời gian là bao lâu?
Trái ngược với ý kiến của ông Hải, ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng giám đốc Công ty Hanoi Redtours lại hoàn toàn đồng ý với chủ trương trên. Ông Hoan phân tích thêm, bất kỳ một đơn vị kinh doanh nào đặc biệt là thuộc ngành kinh doanh dịch vụ có liên quan đến con người phải có quy định như vậy. Thứ nhất, để đảm bảo năng lực tài chính của doanh nghiệp, tránh tình trạng các doanh nghiệp ồ ạt mở ra trong khi lại không kiểm soát được chất lượng. Thứ hai, việc sử dụng quỹ sẽ được cơ quan quản lý sử dụng để giải quyết các sự cố trước mắt, đảm bảo quyền lợi của du khách, tránh tình trạng doanh nghiệp kinh doanh lữ hành không đủ khả năng giải quyết sự cố cho du khách. Thứ ba, cần đưa ra các mức ký quỹ như vậy để chúng ta có thể khảo sát được là doanh nghiệp du lịch đó có nhu cầu kinh doanh lâu dài không hay chỉ muốn kinh doanh trong thời gian ngắn mà thôi.
Biện pháp phòng ngừa
Một trong những điểm đáng chú ý của Thông tư 06 đó là việc quy định về điều kiện hành nghề của hướng dẫn viên du lịch. Theo đó, quy định mới yêu cầu hướng dẫn viên chỉ được hành nghề khi đáp ứng các điều kiện: Phải có thẻ; có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành; đối với hướng dẫn viên du lịch tại điểm, phải có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch.
Quy định này sẽ kiểm soát chặt hơn nữa các hướng dẫn viên du lịch hiện nay. Theo ông Nguyễn Công Hoan, thứ nhất, quy định trên giúp có một tổ chức vừa bảo vệ được quyền lợi của hướng dẫn viên vừa kiểm soát được chất lượng của hướng dẫn viên. Trong quá trình các doanh nghiệp ký hợp đồng với các hướng dẫn viên, nếu các hướng dẫn viên đó là thành viên của hiệp hội và được hiệp đội đó đảm bảo và chịu trách nhiệm về thì khi xảy ra vấn đề, doanh nghiệp sẽ sẵn sàng kiến nghị cho hiệp hội và nếu nhiều doanh nghiệp đều cùng có một ý kiến về người hướng dẫn viên đấy thì họ sẽ có biện pháp để kiểm điểm kỷ luật hướng dẫn viên. Tránh tình trạng đang diễn ra như hiện nay, khi hướng dẫn viên có vấn đề nghỉ làm ở công ty này sẽ lại sang một công ty khác để xin việc mà không bị bất cứ một hình thức xử lý nào. Hiện đang có nhiều trường hợp hướng dẫn viên ôm tiền tạm ứng của công ty du lịch rồi bỏ đi, hoặc “chăn dắt” khách, chiếm dụng tiền của khách... nhưng công ty cũng chỉ có thể chấm dứt hợp đồng chứ không làm gì được. Nếu thực hiện theo quy định trên, các hiệp hội có thể rút giấy phép hành nghề, hoặc tự kiểm soát các hướng dẫn viên lẫn nhau.
Thứ hai, một hướng dẫn viên nếu muốn dẫn đoàn thì phải học rất nhiều về lịch sử, địa lý của vùng đó. Như vậy, nếu hướng dẫn viên tham gia vào một tổ chức xã hội - nghề nghiệp thì tổ chức này sẽ là nơi tổ chức các lớp đào tạo, kiểm tra năng lực và đảm bảo về trình độ của hướng dẫn viên. Căn cứ vào những xác nhận này các doanh nghiệp lữ hành mới ký hợp đồng với hướng dẫn viên.
“Hiện nay, chỉ có các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành lớn mới có đội ngũ hướng dẫn viên đào tạo riêng, còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì vẫn phải dựa vào kinh nghiệm làm việc của hướng dẫn viên, điều này dẫn đến tình trạng xuất hiện rất nhiều hướng dẫn viên tự do làm ăn ‘chộp giật’, bỏ đoàn, bán hàng cho khách... gây tiếng xấu cho công ty mà không ai quản lý, cũng chẳng thể làm gì được. Vì vậy, quy định mới này chắc chắn sẽ làm giảm tình trạng hướng dẫn viên chặt chém, bỏ khách, đồng thời giúp quản lý hướng dẫn viên chặt hơn”, ông Hoan nhấn mạnh.
Theo Baohaiquan.vn