Theo Ban tổ chức, Diễn đàn nhằm kết nối giữa DN logistics với DN XNK, giữa DN trong nước với DN nước ngoài; giữa các DN với cơ quan quản lý nhà nước, tạo đà cho dịch vụ logistics phát triển, góp phần thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong xu hướng chung của thế giới và bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam, logistics trở thành ngành dịch vụ đặc biệt quan trọng với vai trò là công cụ hữu dụng liên kết các hoạt động của chuỗi giá trị toàn cầu từ hoạt động cung cấp, sản xuất, lưu thông phân phối cho đến mở rộng thị trường trong nhiều lĩnh vực kinh tế.
Sự phát triển của dịch vụ logistics đem lại lợi ích tương đương việc cắt giảm các rào cản thương mại, là chìa khóa nâng cao năng lực cạnh tranh một cách bền vững cho cộng đồng doanh nghiệp trong thời kì hội nhập.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng chỉ ra một số mặt hạn chế của dịch vụ logistics Việt Nam, như: chi phí dịch vụ cao, DN cung ứng dịch vụ chủ yếu nhỏ lẻ về quy mô và yếu về năng lực. Chính sách quản lý của nhà nước bước đầu đã tác động tích cực đến ngành nhưng còn chồng chéo, chưa thống nhất; kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ và thiếu tính kết nối; nguồn nhân lực thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng, nhận thức và ứng dụng quản trị logistics, chuỗi cung ứng của nhiều DN XNK còn hạn chế, chưa tin tưởng vào nhà cung cấp…
“Những tồn tại này đang hạn chế tầm nhìn và mục tiêu phát triển của ngành logistics, đồng thời gián tiếp làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế do DN XNK trong nước đang phải chịu các loại chi phí rất cao”- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam cho biết, hàng trăm doanh nghiệp logistics lớn trên thế giới đã có văn phòng đại diện tại Việt Nam hàng chục năm qua. Phân tích sâu vào từng lĩnh vực của dịch vụ cảng biển, ông Hiệp cho biết doanh nghiệp nội hiện chỉ đang chiếm lĩnh các dịch vụ khai thác cảng, kho bãi, còn các dịch vụ vận chuyển quốc tế, vận tải container quốc tế, mạng lưới vận chuyển thì thị phần của doanh nghiệp nội rất kém, thiếu đầu tư, chậm chân và thua xa các doanh nghiệp nước ngoài.
Trong phiên thảo luận toàn thể, các đại biểu đã tập trung trao đổi các đề xuất ưu tiên, kế hoạch hành động tầm cỡ quốc gia cho phát triển ngành logistics. Trong 2 phiên thảo luận độc lập về chủ đề phát triển ngành Logistics và từ kế hoạch đến thực thi, các đại biểu đã tập trung phân tích những tồn tại, bất cập trong phát triển dịch vụ logistics, các giải pháp giảm chi phí dịch vụ này.
Ông Âu Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan- Tổng cục Hải quan trình bày về giải pháp đơn giản hóa khung pháp lý để tạo thuận lợi thương mại và giảm thời gian giao dịch đã nhấn mạnh đến các kế hoạch của ngành Hải quan nhằm tạo thuận lợi cho thương mại, giảm thời gian thông quan hàng hóa XNK cho DN.
Chủ trì phiên thảo luận “Từ kế hoạch đến thực hiện”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh cho biết, để phát triển dịch vụ logistics nói riêng và ngành logistics nói chung rất cần sự phối hợp, hỗ trợ của các bên có liên quan, trong đó có các tổ chức quốc tế. Trong phiên thảo luận này, chuyên gia cao cấp của ngân hàng thế giới đã giới thiệu cho các doanh nghiệp về kinh nghiệm quốc tế về lập kế hoạch hành động và thực hiện logistics có sự giúp đỡ của ngân hàng thế giới…
Theo baohaiquan