GCNNL TAU BIEN
PONTON ĐAT CAU
PONTON ĐAT CAU 1
TÀU CONTAINER 200 TIÊU
TAU DAU 1
TAU DAU
TÀU CONTAINER 250 TIÊU 1
TÀU CONTAINER 250 TIÊU.
GCNNLCS-8000T
TRANSIMEX 200.
TRANSIMEX 200
TÀU ĐÓNG CỌC
SP-ITC-07
SP-ITC-06-1
SP-ITC-06
CẦN THƠ 17
Tàu Dầu Đồng Tháp 9
Image Slider

Khó như thu hồi nợ thuế

Ngày Đăng : 09/12/2017 - 10:46 AM

Cơ quan Hải quan đang phải “ôm” một khoản nợ đọng từ năm này qua năm khác, dù đã cố gắng áp dụng đủ mọi biện pháp.

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cảng Cái Lân, Cục Hải quan Quảng Ninh.  Ảnh: T.Trang.

Khó khi DN bỏ trốn, mất tích

Theo số liệu được lãnh đạo Cục Thuế XNK, Tổng cục Hải quan công bố tại buổi họp báo chuyên đề ngày 30/11, trong tổng số 5.406 tỷ đồng tiền nợ thuế của ngành Hải quan hiện nay có tới 3.770 tỷ đồng nợ thuế được phân vào diện nợ khó thu. Bởi hiện nay, những DN nợ thuế này đã không còn hoạt động và đã bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh. Hầu hết khoản nợ này đều phát sinh trước 1/7/2013 - thời điểm Luật Quản lý thuế có hiệu lực.

Đưa ra ví dụ cụ thể, ông Lê Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Thuế XNK cho biết, tại Cục Hải quan Gia Lai- Kon Tum phát sinh trường hợp DN NK gỗ bạch đàn để sản xuất hàng XK và được miễn thuế, thế nhưng DN không sản xuất mà trực tiếp bán số nguyên liệu này ra thị trường. Vì vậy đã bị cơ quan Hải quan kiểm tra và truy thu khoảng 1,3 tỷ đồng tiền thuế. Tuy nhiên, khi cơ quan Hải quan cử người tới địa chỉ sản xuất của DN để kiểm tra thì DN này đã trốn bỏ khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh.

Trong quá trình thực hiện thu đòi nợ thuế, Hải quan Gia Lai- Kon Tum đã thực hiện truy tìm và phát hiện chủ DN này đã lập chứng minh thư mới, hộ khẩu mới và thành lập 1 DN mới tại tỉnh Bình Dương. Trường hợp này Hải quan Gia Lai- Kon Tum đã chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng để khởi tố về tội trốn thuế.

Hoặc có trường hợp tại Hải quan TP.HCM. Một DN NK lô hàng về cửa khẩu Tân Sơn Nhất, nghi ngờ DN khai giá trị thấp, cơ quan Hải quan thực hiện kiểm tra và yêu cầu DN giải trình, tuy nhiên, chủ hàng không phản hồi. Cơ quan Hải quan kiểm tra tại địa chỉ đăng ký kinh doanh thì phát hiện không khớp với thông tin khai tại chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Khi tìm đến địa chỉ của người chủ DN để tống đạt quyết định nộp thuế thì người đứng tên chủ DN là một phụ nữ. Chị này cho biết không biết và không có quan hệ gì với DN nói trên cũng như lô hàng NK. Hỏi ra thì mới biết trước đó, người phụ nữ này nộp hồ sơ xin việc ở một spa và không được nhận. Sau đó, hồ sơ này đã bị đối tượng xấu chuyển sang cơ quan đăng ký kinh doanh để đứng tên thành lập DN. Trường hợp này cơ quan Hải quan đã gửi yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM để làm rõ vụ việc này.

Đó là những ví dụ điển hình trong hàng trăm trường hợp DN nợ thuế rồi bỏ trốn mà cơ quan Hải quan đang phải quản lý. Theo phản ánh của Hải quan địa phương, hầu hết các khoản nợ đọng (hiện được cơ quan Hải quan phân loại vào khoản nợ khó thu) đều xuất phát từ đối tượng DN hoạt động XNK bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh.

Khó khi phối hợp

Không chỉ khó khăn trong việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ, Hải quan các tỉnh, thành phố còn gặp khó trong công tác thu hồi và xóa nợ vì thiếu sự phối hợp của của cơ quan chức năng. Nhiều trường hợp cơ quan Hải quan đã có công văn đề nghị Cục Thuế, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Ngân hàng, Ủy ban nhân dân phối hợp thực hiện các biện pháp cưỡng chế như thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh…, tuy nhiên, không có phản hồi, đã gây khó khăn trong công tác cưỡng chế và hoàn thiện hồ sơ xóa nợ.

Đơn cử như việc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là một trong những biện pháp cưỡng chế mà cơ quan Hải quan phải thực hiện đối với một số DN nợ thuế. Nhưng thời gian qua, tại một số cục hải quan tỉnh, thành phố đã không thể thực hiện được biện pháp cưỡng chế này do thiếu sự phối hợp của Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Cụ thể, tại Cục Hải quan Bình Định, đơn vị này đã đề nghị thực hiện biện pháp cưỡng chế thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với 10 DN thuộc địa bàn các tỉnh: Bình Định, Phú Yên, TP.HCM. Song đều nhận được sự phản hồi từ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM và tỉnh Phú Yên về không thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc chỉ cảnh báo trên hệ thống thông tin đăng ký DN quốc gia.

Tương tự, trường hợp Công ty TNHH World Vina, là công ty 100% vốn đầu tư Hàn Quốc, hiện còn nợ thuế của 45 tờ khai hải quan mở tại Cục Hải quan Hà Nội năm 2005, 2006, tổng số tiền thuế và tiền chậm nộp là hơn 3 tỷ đồng. Từ khi công ty phát sinh nợ thuế, Cục Hải quan Hà Nội đã nhiều lần gửi thông báo đôn đốc công ty nộp thuế nhưng công ty không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Năm 2006, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Quyết định chấm dứt hoạt động của công ty. Tuy nhiên, khi đó cơ quan Hải quan lại không được thông báo về quyết định chấm dứt hoạt động của công ty và người đại diện theo pháp luật của công ty đã rời khỏi Việt Nam, trong khi các khoản nợ thuế tại cơ quan Hải quan vẫn còn.

Theo phản ánh của Hải quan Hải Phòng, với những DN còn có khả năng để thực hiện biện pháp cưỡng chế, cơ quan Hải quan chưa nhận được sự hợp tác tích cực từ cơ quan chức năng. Theo Cục Hải quan Hải Phòng, khi đơn vị áp dụng biện pháp cưỡng chế “thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký DN, Giấy phép thành lập và hoạt động, Giấy phép hành nghề” và đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp, nhưng Sở Kế hoạch và Đầu tư chỉ “lưu ý cảnh báo trên hệ thống đăng ký kinh doanh quốc gia” mà không thực hiện thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Trường hợp khác Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu vướng mắc nếu thu hồi Giấy đăng ký kinh doanh nhưng khi DN nộp thuế, Sở không khôi phục được Giấy đăng ký này cho DN vì hiện nay không có quy định về “Khôi phục Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”.

Tương tự, Hải quan Đồng Nai cũng phản ánh quá trình lấy ý kiến của các cơ quan chức năng, nhiều cơ quan (như Thuế, Ngân hàng, UBND địa phương…) không phản hồi với các đề nghị cưỡng chế của cơ quan Hải quan nên việc hoàn thiện hồ sơ quản lý, xóa nợ cơ quan Hải quan rất khó thực hiện. Với trường hợp “kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên” hay “thu tiền, tài sản khác của DN nợ thuế’ cơ quan Hải quan không nắm được thông tin về tài sản của DN, trong khi việc xác minh thông tin này chưa có văn bản hướng dẫn.

Kiên trì thu hồi và xóa nợ

Khó khăn là thế, tuy nhiên thời gian vừa qua, ngành Hải quan đã rất tích cực và quyết liệt trong công tác xử lý và thu hồi nợ. Tổng cục Hải quan thường xuyên thực hiện tổng hợp, phân tích, đánh giá tình hình nợ thuế, xác định rõ nguyên nhân tăng, giảm nợ thuế tại các cục hải quan địa phương; đối với chỉ tiêu nợ thuế thu hồi đã giao cho các đơn vị đôn đốc, chỉ đạo thu hồi đúng theo chỉ tiêu được giao. Qua đó, yêu cầu các đơn vị thực hiện gửi báo cáo số liệu nợ thuế đầy đủ, đúng thời hạn để kịp phục vụ công tác chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ thuế.

Ông Lê Mạnh Hùng cho biết, Tổng cục Hải quan cũng đã giao chỉ tiêu thu hồi và xử lý nợ thuế trong toàn ngành đối với các khoản nợ có khả năng thu (1.307 tỷ đồng). Đồng thời, Tổng cục Hải quan đã tổ chức các đoàn công tác tới các cục hải quan địa phương để hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý nợ thuế như Cục Hải quan TP.HCM, Hải Phòng, Hà Nội, Lạng Sơn.... Đây là những địa phương có số thu lớn, nợ thuế cao, nợ mới phát sinh tăng, loại hình phức tạp, nhiều mặt hàng nhạy cảm để quán triệt, yêu cầu các địa phương tích cực thực hiện các biện pháp để chống thất thu thuế.

Đối với các DN đang có nợ thuế nhưng không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh hoặc tự giải thể, có dấu hiệu trốn thuế, các Cục Hải quan tỉnh, thành phố chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an để điều tra, khởi tố nhằm thu hồi nợ thuế. 

Thống kê đến 31/10/2017, các khoản nợ của ngành Hải quan quản lý từ trước tới nay là 5.406 tỷ đồng, giảm 72 tỷ đồng, nợ khó thu 3.770 tỷ đồng, giảm 3% so với cuối năm 2016. Từ 1/7/2013 đến nay, theo quy định tại Luật Quản lý thuế, DN nộp thuế trước khi thông quan, giải phóng hàng, nên không có chuyện phát sinh nợ thuế đối với hàng NK, thực hiện chính sách DN nộp thuế trước thông quan, không được ân hạn như trước, số nợ thuế phát sinh của ngành Hải quan nếu tính trên tổng thu ngân sách là không đáng kể. Trong 10 tháng của năm 2017 số nợ chỉ hơn 512 tỷ đồng- phát sinh chủ yếu từ các quyết định kiểm tra sau thông quan.

Theo Baohaiquan.vn 

Chuyên mục

Dịch vụ

  • Gia công cơ khí
    Ngày tạo: 08-09-16
    Công ty TNHH MTV Tư Lai II nhận gia công trục chân vịt, trục bánh lái ...
  • Vận Tải
    Ngày tạo: 07-09-16
    Công ty TNHH MTV Tư Lai II luôn mang đến cho khách hàng dịch vụ vận chuyển đường...
Go Top