Nâng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp
Trong đó, đối với quản lý chuyên ngành, Cục Hải quan TP.HCM cho rằng, đây là một trong vấn đề nổi cộm doanh nghiệp “kêu” nhiều trong thời gian qua. Để tạo thuận lợi cho cơ quan thực thi và doanh nghiệp, Cục Hải quan TP.HCM kiến nghị tiếp tục giảm bớt giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu; điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu cho phù hợp với Luật Doanh nghiệp 2016 theo nguyên tắc doanh nghiệp được phép kinh doanh XNK nếu pháp luật không cấm. Triển khai hiệu quả Luật Quản lý Ngoại thương số 05/2017/QH14.
Tập trung triển khai hệ thống giám sát, quản lý hải quan tự động tại cảng biển, cảng hàng không (VASSCM) nhằm tạo thuận lợi tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp vừa tăng khả năng quản lý của cơ quan Nhà nước trong hoạt động XNK. Lãnh đạo TP.HCM chỉ đạo cáo sở ban ngành, hiệp hội doanh nghiệp, các đơn vị kinh doanh kho bãi tham gia triển khai vừa là quyền lợi và nghĩa vụ nhằm tăng khả năng cạnh tranh doanh nghiệp trong xu hướng áp dụng công nghiệp 4.0.
Về lĩnh vực đại lý hải quan, hiện có trên gần 300 doanh nghiệp đã được công nhận đại lý thủ tục hải quan, cần nhanh chóng thành lập Hiệp hội đại lý hải quan nhằm hỗ trợ cho các đại lý hiện có phát triển và hoạt động đúng chức năng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động XNK. Đồng thời, định hướng các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn áp dụng cơ chế đại lý hải quan theo xu hướng tất yếu của thế giới, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Năm 2018 là năm đầu tiên thành phố thực hiện cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội, về cơ chế chính sách, Cục Hải quan TP.HCM kiến nghị tiếp tục củng cố hoàn thiện, kiện toàn tổ chức bộ máy các cấp, xây dựng lực lượng Hải quan trong sạch vững mạnh theo mô hình tổ chức mới và thực hiện nghiêm theo Luật Hải quan sửa đổi. Chú trọng nâng cao nguồn nhân lực đảm bảo mỗi CBCC Hải quan có đầy đủ phẩm chất, năng lực làm việc chuyên nghiệp, luôn công tâm khách quan trong công việc, phục vụ tốt cộng đồng doanh nghiệp XNK.
Cần đưa vào nội dung đề án chương trình xây dựng cơ chế đặc thù nội dung về thu NSNN. Các cơ quan quản lý Nhà nước không thể dùng các biện pháp hành chính để ngăn cản và điều tiết hàng hóa tại các cảng như thời gian qua.
Các chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cần phù hợp với điều kiện thực tế và các cam kết quốc tế, tránh áp đặt ý chí chủ quan, lợi ích nhóm làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Nghiên cứu kỹ Luật Phí và lệ phí để tham mưu lãnh đạo xem xét trình HĐND TP.HCM các khoản phí và lệ phí chưa quy định tại Luật Phí và lệ phí, thuộc thẩm quyền để tổ chức thu phí và lệ phí có liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, chuyển cảng... tăng nguồn thu cho ngân sách thành phố.
Có cơ chế và kinh phí cho cải cách hành chính hiện đại hóa
Cục Hải quan TP.HCM là 1 trong 2 đơn vị chủ yếu thực hiện thu ngân sách cho thành phố. Ngoài số ngân sách được Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan cấp theo quy định, Cục Hải quan TP.HCM cần hơn nữa sự quan tâm chỉ đạo của UBND và HĐND thành phố trong việc xây dựng cơ chế, cấp kinh phí cho hoạt động cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa Hải quan nhằm phục vụ cho mục tiêu phát triển của thành phố và cộng đồng doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả đầu tư hạ tầng bến cảng, từ nay đến năm 2020, đề xuất không cấp phép đầu tư mới các bến container trong nhóm cảng biển số 5. Bên cạnh đó, thực hiện nhanh việc di dời cảng theo kế hoạch, tăng cường kết nối cảng, phát triển dịch vụ logistics.
Về các dự án hạ tầng kết nối khác đến khu đô thị cảng Hiệp Phước: Các cơ quan quản lý có thẩm quyền cần có kế hoạch triển khai, hoàn thành các dự án hạ tầng kết nối khác đến Khu đô thị cảng (tuyến Vành đai 3, Vành đai 4, Nạo vét luồng Soài Rạp, nâng cấp các tuyến giao thông thủy nội địa...) với tiến độ đầu tư phù hợp với nhu cầu sử dụng để hỗ trợ gia tăng giá trị dự án tạo nguồn thu hoàn vốn cho dự án BT.
Tạo điều kiện để phát triển vận tải đường sông và phát huy tiềm năng vận tải thủy nội địa của hệ thống sông, kênh trong khu vực nhằm đáp ứng thông qua khối lượng hàng hoá (không bao gồm hàng lỏng) năm 2020 là 100 triệu tấn/năm và 326 ngàn lượt hành khách /năm.
Tạo điều kiện cho cụm cảng Hiệp Phước mở rộng hoạt động về lĩnh vực logistics và dịch vụ giá trị gia tăng đối với mặt hàng xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc, cung cấp các dịch vụ lưu kho bãi, đăng kiểm, hải quan, kiểm tra kỹ thuật... để đáp ứng nhu cầu đang tăng trưởng nhanh chóng của thị trường xe ô tô nhập khẩu tại Việt Nam, phát triển cụm cảng Hiệp Phước thành trung tâm khai thác, nhập khẩu mặt hàng ô tô lớn nhất TP.HCM nói riêng và cả khu vực miền Nam nói chung.
Xây dựng kế hoạch, triển khai điều tiết lượng hàng hóa qua các cảng nhằm giảm ùn tắc cục bộ tại khu vực cảng Cát Lái.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM ghi nhận và đánh giá cao các kiến nghị của Cục Hải quan TP.HCM, các kiến nghị này nếu được tháo gỡ không chỉ giúp cơ quan Hải quan hoạt động hiệu quả mà còn giúp các ngành có liên quan trong thực thi nhiệm vụ, tạo thuận lợi thương mại.
Theo Baohaiquan.vn