Chính vì vậy, sau nhiều cuộc họp, ngày 9/8, Tổng cục Hải quan tiếp tục tổ chức buổi làm việc với đại diện Bộ Công Thương, Tài chính, Giao thông vận tải, hải quan một số tỉnh, thành phố và một số DN có hoạt động trong lĩnh vực trung chuyển, quá cảnh hàng hóa. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Dương Thái chủ trì cuộc họp.
Cần thiết phải làm rõ khái niệm hai loại hình
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Dương Thái cho rằng, việc sửa quy định về hàng trung chuyển, quá cảnh là yêu cầu của thực tế và cũng là chỉ đạo của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động giao thương quốc tế, tuy nhiên, sẽ có những quy định nhằm bịt những lỗ hổng hiện nay trong quản lý đối với hoạt động này.
Phân tích về yêu cầu thực tế cần phải sửa quy định hiện nay, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Nguyễn Nhất Kha cho biết, do các quy định hiện nay chưa thực sự phân định rõ ràng giữa hàng hóa quá cảnh và hàng hóa trung chuyển trong công tác quản lý hải quan, nên có thể dẫn đến thực hiện không thống nhất trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng trung chuyển, quá cảnh; mặt khác, Luật Thương mại cũng như các văn bản quy phạm pháp luật khác cũng chưa quy định cụ thể hoạt động trung chuyển.
Bên cạnh đó, về tuyến đường quá cảnh, theo quy định tại khoản 2, Điều 243 Luật Thương mại thì Bộ Giao thông vận tải là đơn vị được giao quy định về tuyến đường quá cảnh. Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải có Thông tư 16/2017/TT-BGTVT quy định tuyến đường cụ thể (đường bộ, đường sắt, đường thủy); về cặp cửa khẩu được quá cảnh hàng hóa cũng được quy định tại các Hiệp định quá cảnh Việt Nam-Trung Quốc, Việt Nam-Campuchia, Việt Nam-Lào.
Như vậy, theo Cục Giám sát quản lý về hải quan, cần thiết phải quy định cụ thể, phân biệt rõ hàng hóa quá cảnh, hàng hóa trung chuyển để đảm bảo đúng bản chất của hàng quá cảnh, trung chuyển cũng như đảm bảo công tác quản lý đối với loại hàng hóa và thuận lợi trong quá trình thực hiện. Dự kiến, Tổng cục Hải quan sẽ quy định cụ thể về khái niệm: Hàng hóa trung chuyển là hàng hóa được vận chuyển từ nước ngoài vào Việt Nam để đưa vào khu vực trung chuyển tại cảng biển sau đó được đưa ra nước ngoài từ chính cảng này hoặc được vận chuyển bằng đường thủy nội địa, đường biển đến khu vực trung chuyển tại cảng biển khác để đưa ra nước ngoài. Hàng hóa trung chuyển được đưa toàn bộ ra nước ngoài một lần hoặc nhiều lần. Cảng biển được thực hiện trung chuyển hàng hóa là cảng biển loại IA và cảng TP.Hồ Chí Minh. Theo đó, các hàng hóa vận chuyển từ nước ngoài qua lãnh thổ Việt Nam để đến nước khác thực hiện theo quy định đối với hàng quá cảnh.
Vướng chính sách mặt hàng
Liên quan đến chính sách mặt hàng, đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan cũng cho biết, việc thực hiện đang gặp vướng do quy định chưa rõ ràng. Tại Điều 40 Nghị định 187/2013/NĐ-CP quy định về chính sách mặt hàng quá cảnh, tuy nhiên Nghị định này không loại trừ hàng trung chuyển. Do vậy, căn cứ quy định tại Điều 241 Luật Thương mại thì hàng trung chuyển cũng bị điều chỉnh bởi Điều 40 Nghị định 187/2013/NĐ-CP. Ngoài ra, đối với hàng trung chuyển hiện tại Thông tư liên tịch 08/2004/TTLT-BTM-BTC-BGTVT quy định hàng hóa cấm trung chuyển tại cảng biển của Việt Nam gồm: Các loại vũ khí, đạn dược, vật liệu nổ, trang thiết bị kỹ thuật quân sự; các loại ma túy; chất thải nguyên tử và các loại hóa chất độc thuộc Danh mục hóa chất độc hại cấm XK, NK theo quy định của pháp luật Việt Nam. Như vậy, căn cứ các quy định trên, ngoài các hàng hóa không được trung chuyển theo quy định tại Thông tư 08/2004/TTLT-BTM-BTC-BGTVT thì đối với hàng hóa trung chuyển thuộc danh mục mặt hàng quy định tại khoản 3 Điều 40 Nghị định 187/2013/NĐ-CP phải có giấy phép của Bộ Công Thương.
Tuy nhiên, trên thực tế có sự khác biệt về bản chất giữa hàng trung chuyển và hàng quá cảnh. Hàng hóa quá cảnh là hàng hóa của chủ hàng nước ngoài ký hợp đồng với DN logicstic để DN logicstic thực hiện vận chuyển hàng hóa trong lãnh thổ Việt Nam. Trường hợp hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng phải cấp giấy phép quá cảnh theo quy định tại Điều 40 Nghị định 187/2013/NĐ-CP thì Bộ Công Thương sẽ thực hiện cấp phép trên cơ sở đề nghị của chủ hàng nước ngoài. Ngoài ra, hàng hóa quá cảnh thực hiện theo các Hiệp định song phương hoặc đa phương giữa Việt Nam và các nước.
Hàng hóa trung chuyển là do hãng vận chuyển vận chuyển hàng hóa do chủ hàng nước ngoài, hãng vận chuyển đưa hàng hóa đến Việt Nam và lưu giữ tại các khu vực trung chuyển thuộc cảng biển, sau đó tiếp tục vận chuyển ra nước ngoài hoặc vận chuyển đến một cảng khác để vận chuyển ra nước ngoài. Việc trung chuyển hàng hóa này trên cơ sở kế hoạch kinh doanh, khai thác tàu của hãng vận chuyển (hàng trung chuyển đưa đưa vào, đưa ra tại các cảng biển). Do vậy, theo Cục Giám sát quản lý về hải quan, để đảm bảo đúng bản chất của từng loại hàng, dự kiến sẽ quy định về chính sách quản lý đối với từng loại trung chuyển, quá cảnh tại nghị định này.
Phát biểu tại cuộc họp, nhiều thành viên tham gia họp đều đồng tình với kế hoạch sửa đổi Nghị định 08/2015/NĐ-CP theo hướng tách riêng hai loại hình và áp dụng chính sách quản lý khác nhau. Đại diện Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cho rằng, việc hạn chế chuyến tuyến đường trung chuyển tại Điều 44 Nghị định 08/2015/NĐ-CP đã làm hạn chế lợi thế và tiềm năng hoạt động trung chuyển hàng hóa. Mặc dù, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản tháo gỡ một phần hoạt động này song, trên thực tế vẫn không áp dụng được do vướng vấn đề xin giấy phép.
Đại diện Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải cũng bày tỏ nhiều ý kiến đồng tình với chủ trương tại dự thảo. Tuy nhiên, đại diện Bộ Công Thương cho rằng giữa Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan cần tiếp tục có cuộc họp để thống nhất những nội dung nào đưa vào Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2015/NĐ-CP, những nội dung nào đưa vào Nghị định sửa đổi Nghị định 187/2013/NĐ-CP, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến khái niệm hàng trung chuyển, quá cảnh và chính sách mặt hàng đi kèm.
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận cụ thể của đại diện các đơn vị tham gia họp về từng điều, khoản tại dự thảo, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Dương Thái cho biết sẽ tiếp thu nhiều ý kiến tham gia để hoàn thiện nội dung dự thảo nghị định, trên tinh thần tháo gỡ khó khăn thúc đẩy hoạt động trung chuyển, quá cảnh. Dự kiến, Tổng cục Hải quan sẽ báo cáo Bộ Tài chính xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp vào cuối tháng 8/2017, đến tháng 9 sẽ hoàn thiện để trình các thành viên Chính phủ.
Hoạt động quá cảnh trong thời gia qua chủ yếu phát sinh tại Cục Hải quan TP.HCM, Tây Ninh, Hải Phòng, Lào Cai, An Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu… hàng hóa quá cảnh tập trung vào các mặt hàng gồm: Gỗ nguyên liệu, thuốc lá, quặng sắt, quặng đồng, nhựa phế liệu tái chế, máy tính xách tay, điện thoại Iphone, linh kiện điện tử, sắt thép, phân bón, bông sợi, vải, gạch men, thuốc tân dược… Quá trình thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng quá cảnh, cơ quan Hải quan đã phát hiện một số vụ việc vi phạm. Tại Cục Hải quan TP.HCM từ năm 2014 đến đầu năm 2017 phát hiện 12 vụ vi phạm; Cục Hải quan Bình Phước phát hiện 1 vụ vi phạm; Cục Hải quan Bà Rịa-Vũng Tàu phát hiện 3 vụ vi phạm. Đối với hàng trung chuyển, chủ yếu phát sinh tại Cục Hải quan TP.HCM và Cục Hải quan Bà Rịa-Vũng Tàu. Quá trình thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa trung chuyển chưa phát hiện vụ vi phạm nào. |