Liên quan đến vấn đề các DN kêu khó trong việc tìm kiếm thành viên HĐQT, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, thị trường thành viên HĐQT độc lập rất dồi dào. Nhưng vấn đề lại nằm ở chỗ phần lớn thành viên HĐQT trong các DN Việt Nam hiện nay đều là người trong gia đình hoặc bạn bè và không DN nào muốn đưa một người lạ ngồi vào ghế HĐQT vì rất nhiều lý do. Điều này bắt nguồn từ việc các công ty chưa nhận thức được đầy đủ vai trò của thành viên HĐQT nên chưa sẵn sàng để thuê tuyển các đối tượng này chứ không phải là không có người đáp ứng đủ tiêu chuẩn. |
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, việc thúc đẩy quản trị DN tốt theo quy định của Luật DN được tiến hành rất chậm. Quá trình thúc đẩy quản trị DN phải trải qua 4 giai đoạn: Thức tỉnh, nâng cao nhận thức, thực hiện và thay đổi văn hóa. Nhưng suốt 20 năm qua, Việt Nam vẫn ở giai đoạn thức tỉnh, trong khi các nước khác đã bước vào giai đoạn thay đổi văn hóa. Trong dự án đánh giá quản trị công ty của ASEAN, DN tốt nhất của Việt Nam cũng chỉ đạt được 32/100 điểm, qua đó cho thấy quản trị của Việt Nam rất kém.
Để thúc đẩy quản trị DN tốt, ông Hiếu cho rằng, bên cạnh vai trò của Nhà nước thì cần nâng cao vai trò của sự trừng phạt từ thị trường. Theo đó, hai Sở Giao dịch Chứng khoán nên có mục công bố thông tin về quản trị DN, trong đó nêu lên những yếu kém, những DN chưa đáp ứng đủ các quy định như trên để nhà đầu tư cân nhắc trong việc chọn mua cổ phiếu. Điều này sẽ ảnh hưởng tới giá cổ phiếu và cùng với vai trò quản lý của Nhà nước thì sẽ thúc đẩy quản trị DN tốt.
Ông Lê Công Điền, Vụ trưởng Vụ Giám sát Công ty đại chúng cho hay, các quy định pháp lý về quản trị công ty đã được quy định khá rõ ràng tại Thông tư 121/2012/TT-BTC. Song lâu nay các DN chỉ thực hiện ở mức đối phó. Thời gian tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ xin ý kiến các thành viên thị trường về việc nâng cấp Thông tư này lên thành Nghị định. Nếu được chấp thuận, các quy định về quản trị công ty sẽ trở thành quy định bắt buộc, các mức chế tài cũng sẽ mạnh hơn và các công ty phải thực hiện nghiêm túc.
Liên quan tới vấn đề thực thi và giám sát thực thi, bà Đào cho hay, sau đợt Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) lần này, HOSE sẽ tiến hành nhắc nhở chung trên toàn thị trường về các vấn đề quản trị công ty mà DN chưa đạt được theo quy định hiện hành. Nếu các công ty tiếp tục không thực hiện, Sở sẽ tiến hành công bố thông tin trên thị trường về những khiếm khuyết của từng công ty về quản trị DN, đồng thời gửi cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để tiến hành xử phạt. Theo quy định tại Nghị định 145 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán thì nhiều vi phạm về quản trị DN, công ty có thể bị truy cứu và bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư. Bà Đào cũng thừa nhật một số quy định về quản trị DN là rất khó thực hiện như quy định về cơ cấu thành viên HĐQT hay các quy định về tiêu chuẩn của thành viên ban kiểm soát. Tuy nhiên, DN cần có lộ trình thực hiện và các nhà đầu tư cũng cần được biết công ty có những điểm nào chưa đáp ứng đúng quy định.
Ông Hiếu cũng đánh giá, mô hình quản trị DN truyền thống của Việt Nam hiện có rất nhiều vấn đề, trong đó ban kiểm soát hầu như không đóng góp vai trò gì cho hoạt động của DN trên thực tế. Trong ban kiểm soát, hoạt động của kiểm toán nội bộ thường có xu hướng phục vụ lợi ích tốt nhất cho bộ phận quản lý và đôi khi còn chịu ảnh hưởng bởi sự chỉ đạo, điều hành của bộ phận quản lý. Điều này dẫn tới sự hạn chế về tính chính xác, trung thực và khách quan trong các báo cáo lên HĐQT. Do đó, nhiệm vụ của tiểu ban kiểm toán thuộc HĐQT là đảm bảo tính trung thực, khách quan và độc lập trong hoạt động của kiểm toán nội bộ. Ngoài ra, tiểu ban kiểm toán còn đảm bảo cho quan hệ giữa DN và kiểm toán bên ngoài được độc lập, khách quan, thậm chí quyết định nội dung và phạm vi công việc của kiểm toán bên ngoài. “Một tiểu ban kiểm toán tốt còn có thể giúp công ty giảm được chi phí kiểm toán bên ngoài” – ông Hiếu cho hay.
Do đó, để quản trị theo mô hình mới thì DN bắt buộc phải có tiểu ban kiểm toán thuộc HĐQT. ĐHĐCĐ của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) mới đây đã sửa đổi điều lệ để chuyển đổi quản trị sang mô hình mới với việc nâng số lượng thành viên HĐQT độc lập từ 2 người lên 5 người và thành lập 3 tiểu ủy ban: Kiểm toán, rủi ro và lương thưởng. Sự thay đổi của Vinamilk được kỳ vọng là sẽ có thể tạo ra một xu hướng tích cực cho hoạt động quản trị DN tại Việt Nam thông qua việc loại bỏ mô hình ban kiểm soát vốn không phát huy được tác dụng.
Theo Baohaiquan