Theo VCCI, bên cạnh nhu cầu khuyến khích NK linh kiện ô tô để thúc đẩy hoạt động sản xuất lắp ráp ô tô trong nước, Việt Nam cũng có nhu cầu phát triển ngành công nghiệp phụ trợ ngành ô tô, tức là ngành sản xuất các loại linh kiện phục vụ sản xuất, tăng tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm ô tô sản xuất trong nước.
Do đó, việc thiết kế biện pháp chính sách thuế cho phép thỏa mãn đồng thời 2 nhu cầu này theo hướng: chỉ giảm thuế NK đối với các linh kiện ô tô cần khuyến khích lắp ráp trong nước (xe dưới 9 chỗ, xe tải), giữ nguyên mức thuế NK đối với linh kiện ô tô mà trong nước đã có năng lực sản xuất (các linh kiện ô tô còn lại) là phù hợp.
Về phương án giảm thuế, Bộ Tài chính đang đề xuất 2 phương án theo thuế: Phương án 1: Giảm thuế toàn bộ 163 dòng thuế liên quan về 0%. Phương án 2: Giảm thuế 19 dòng thuế về 0%, giảm thuế 42 dòng thuế về 10%.
VCCI lựa chọn phương án 1 và cho rằng, phương án này sẽ có mức ưu đãi nhiều hơn cho doanh nghiệp, do đó suy đoán là sẽ khuyến khích việc NK các linh kiện liên quan nhiều hơn, từ đó thúc đẩy việc sản xuất lắp ráp các dòng xe liên quan như mục tiêu nêu tại Dự thảo.
Về đề xuất sửa đổi mức thuế đối với xe ô tô đã qua sử dụng NK, VCCI đề nghị Ban soạn thảo có giải trình cụ thể hơn về tình hình NK (đặc biệt là các gian lận thương mại) của từng dòng xe cũng như về mục tiêu, hiệu quả tác động của việc điều chỉnh thuế, nếu có đối với từng đề xuất điều chỉnh.
Về chính sách thuế NK ô tô đã qua sử dụng, VAMA đồng ý với dự thảo của Bộ Tài chính, áp dụng mức thuế NK cao nhất theo cam kết đối với xe ô tô đã qua sử dụng nhằm góp phần bảo vệ môi trường và sản xuất trong nước.
Đối với chính sách thuế NK linh kiện ô tô, VAMA cho rằng, do thuế NK xe ô tô nguyên chiếc từ ASEAN sẽ giảm xuống 0% từ năm 2018, do đó kiến nghị cần giảm thuế NK về 0% từ năm 2018 áp dụng cho tất cả các kinh kiện CKD NK bởi các nhà sản xuất ô tô, cũng như áp dụng cho toàn bộ vật tư, bán thành phẩm NK bởi các nhà sản xuất phụ tùng ô tô mà không yêu cầu bất kỳ điều kiện nào.
VAMA cho rằng, việc áp dụng như trên mới chỉ tạo ra sự cân bằng về thuế NK giữa xe sản xuất trong nước và xe NK, chứ không phải là ưu đãi cho sản xuất trong nước.
Đối với chính sách hỗ trợ sản xuất trong nước, cơ quan này kiến nghị Bộ Tài chính có chính sách hỗ trợ đối tượng này để tăng khả năng cạnh tranh và chi phí đối với xe NK, nhằm duy trì ngành công nghiệp ô tô và thu hút thêm đầu tư vào Việt Nam.
Theo Baohaiquan.vn