Điển hình có thể kể đến các trường hợp như Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Phát, Công ty cổ phần CMC, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Sài Gòn… Trên thực tế, với tâm lý “kiêng tháng Ngâu”, các doanh nghiệp thường không lựa chọn nộp hồ sơ và niêm yết trong nửa đầu tháng 9 (tháng 7 âm lịch) và bản thân lãnh đạo HOSE cũng hiểu tâm lý doanh nghiệp nên những hồ sơ chấp thuận niêm yết sẽ được giải quyết trước và sau tháng bảy Âm lịch.
Với lý do đó, số lượng doanh nghiệp lên sàn dự kiến sẽ tăng mạnh hơn trong nửa cuối tháng 9/2017. Ngoài ra, các quy định pháp lý về quy định thời gian niêm yết lên sàn cũng đã thắt chặt hơn trong 1, 2 năm trở lại đây, cùng với diễn biến sôi động của thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay cũng là yếu tố kích thích các doanh nghiệp niêm yết trong giai đoạn các tháng cuối năm.
Đối với nhóm ngành ngân hàng, sau sự kiện VPBank lên sàn, nhà đầu tư đang chờ đợi thêm nhiều ngân hàng nữa sẽ được đưa lên sàn niêm yết trong tương lai gần, giúp tăng thêm chất lượng hàng hóa cũng như tăng tính cạnh tranh giữa những cổ phiếu trong ngành.
Cụ thể, Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) sau nhiều lần trì hoãn kế hoạch lên sàn, đã quyết định sẽ đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM ngay cuối tháng 9/2017. Trên thị trường OTC, cổ phiếu các ngân hàng có kế hoạch lên sàn từ nay đến cuối năm đã được săn đón với mức giá khá cao, có thể kể đến trường hợp của Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã có giao dịch trên thị trường OTC với giá dao động từ 37.000 đồng/cổ phần đến 39.000 đồng/cổ phần, tăng gần 3 lần so với thời điểm đầu năm. Ngoài ra, còn nhiều cổ phiếu của các ngân hàng khác đã có kế hoạch lên sàn nhưng chưa có thời gian cụ thể và đang được giao dịch xung quanh mệnh giá.
Các chuyên gia của Công ty chứng khoán Bảo Việt nhận định, với việc nhóm cổ phiếu mới lên sàn thường có biến động mạnh, diễn biến thị trường chứng khoán trong các tháng cuối năm sẽ trở nên khó đoán định hơn khi mà diễn biến chỉ số chịu ảnh hưởng bởi nhóm cổ phiếu này, đặc biệt là các mã vốn hóa lớn như VEAM, Techcombank, Tổng công ty máy và thiết bị công nghiệp, Tổng công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam...
Theo Baohaiquan.vn