Tại Dự thảo Tờ trình Đề nghị xây dựng Luật quản lý thuế (sửa đổi), Bộ Tài chính cho rằng, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều nước đã giao chức năng điều tra thuế cho cơ quan quản lý thuế như điều tra tố tụng hình sự. Khi có dấu hiệu tội phạm đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, cơ quan quản lý thuế căn cứ vào kết quả điều tra để áp dụng các biện pháp truy thu tối đa số thuế đã trốn, đã gian lận, đồng thời chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng để điều tra theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Một số nước tổ chức lực lượng cảnh sát thuế, toà án thuế (như Mỹ, Nga...). Trong khi đó tại Việt Nam cơ quan Thuế lại chưa được giao chức năng trên.
Giải thích cho chức năng này, dự thảo ghi rõ, về bản chất, điều tra thuế là việc cơ quan Thuế thực hiện quyền tố tụng về thuế trong trường hợp người nộp thuế cố tình trốn tránh nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước (trốn thuế, gian lận thuế) với mục đích trục lợi. Phạm vi điều tra là các hồ sơ nghi vấn trốn thuế có tính chất liên hoàn, thông đồng (bao gồm cả tham nhũng).
Thẩm quyền điều tra là được khám xét không báo trước cho người nộp thuế và được hỏi xét, lấy lời khai của ngừơi nộp thuế và đối tượng liên quan. Về phía người nộp thuế được sử dụng luật sư hoặc người đại diện trong quá trình điều tra.
Đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều nước đã giao chức năng điều tra thuế cho cơ quan quản lý thuế như điều tra tố tụng hình sự. Cán bộ điều tra thuế có quyền chất vấn, kiểm tra, thu giữ hay khám xét, tịch biên các sổ sách giấy tờ có liên quan để bảo vệ những chứng cứ ban đầu. Trên thế giới, có trên 80 quốc gia, trong đó có nhiều nước Asean đã thành lập bộ phận điều tra thuế.
Dự thảo dẫn đánh giá của chuyên gia cơ quan Thuế Nhật Bản cho rằng, các mối quan hệ chứng cứ trong tội phạm thuế rất khác với tội phạm thông thường, do đó cần có kinh nghiệm và kiến thức đặc biệt để thu thập chứng cứ và đánh giá giá trị của các chứng cứ. Mục đích điều tra thuế là khởi tố các đối tượng cố tình trốn thuế. Cán bộ điều tra thuế có quyền chất vấn, kiểm tra, thu giữ, đối với điều tra tự nguyện. Trường hợp điều tra bắt buộc có quyền khám xét, tịch biên các sổ sách giấy tờ có liên quan để bảo vệ những chứng cứ ban đầu và phối hợp với cơ quan công an, viện kiểm sát khởi tố hình sự, nhờ đó đã có tác dụng răn đe các hình vi vi phạm.
Qua đó, cơ quan soạn thảo đề xuất bổ sung trong dự thảo Luật sửa đổi nội dung thẩm quyền của cơ quan Thuế là yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp thông tin, tài liệu để phục vụ việc kiểm tra, thanh tra, điều tra, xác minh hành vi vi phạm pháp luật thuế, trốn thuế. Ngoài ra, cơ quan này cũng được yêu cầu người nộp thuế cung cấp hồ sơ, chứng từ để kiểm tra khi có căn cứ cho rằng người nộp thuế có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế, trốn thuế.
Bộ Tài chính cũng đề nghị giao thêm thẩm quyền của cơ quan Thuế, công chức Thuế trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống và ngăn chặn vi phạm pháp luật thuế, trốn thuế. “Trường hợp có căn cứ cho rằng có hành vi vi phạm pháp luật thuế, trốn thuế, trưởng đoàn kiểm tra, trưởng đoàn thanh tra, chi cục trưởng, Cục trưởng có thẩm quyền niêm phong hàng hóa, kho, hồ sơ, tài liệu, tạm giữ người, áp giải người vi phạm. Trình tự, thủ tục tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính”, dự thảo nêu rõ.
Đặc biệt, khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật về thuế đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan Thuế có thẩm quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện các hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự và pháp luật tổ chức điều tra hình sự.
Theo Baohaiquan.vn