Những đề nghị của Bộ Tài chính tập trung vào các vấn đề hoàn thiện danh mục hàng hóa XK, NK, quá cảnh thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế; rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành và phương thức kiểm tra chuyên ngành.
Theo đó, nhiều vấn đề bất cập trong công tác kiểm tra chuyên ngành lĩnh vực an toàn thực phẩm được Bộ Tài chính nhắc đến. Chẳng hạn, những quy định kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng nhập khẩu kinh doanh cửa hàng, NK để gia công, sản xuất hàng XK, hàng bán tại cửa hàng miễn thuế… đang gây nhiều vướng mắc, bức xúc cho cá nhân và DN.
Hay các văn bản chưa áp dụng phương thức quản lý rủi ro trong kiểm tra hàng hóa XNK.
Thậm chí có những văn bản căn cứ ban hành đã hết hiệu lực như Quyết định 818/QĐ-BYT ban hành Danh mục hàng hóa NK phải kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm theo mã số HS…
Để tháo gỡ vướng mắc, Bộ Tài chính cho rằng Bộ Y tế cần sớm sửa đổi những quy định liên quan đến kiểm tra an toàn thực phẩm thông qua việc áp dụng quản lý rủi ro.
Cụ thể, Bộ Y tế cần nghiên cứu sửa đổi Luật An toàn thực phẩm và Nghị định 38/2012/NĐ-CP theo hướng việc kiểm tra an toàn thực phẩm đối với các lô hàng NK được thực hiện theo nguyên tắc quản lý rủi ro và/hoặc kiểm tra sau khi hàng hóa đã được thông quan.
Bổ sung thêm đối tượng được miễn kiểm tra an toàn thực phẩm theo Nghị định số 38/2012/NĐ-CP của Chính phủ như: Hàng tạm nhập tái xuất, hàng nhập khẩu kinh doanh cửa hàng NK để gia công, sản xuất hàng XK, hàng bán tại cửa hàng miễn thuế…
Bên cạnh đó, về danh mục hàng hóa phải kiểm tra an toàn thực phẩm tại khâu thông quan, Bộ Y tế cần sớm ban hành danh mục hàng hóa phải kiểm tra an toàn thực phẩm thay thế Quyết định 818/QĐ-BYT, trong đó ban hành Danh mục hàng hóa theo hướng: Thu hẹp danh mục, chuyển những mặt hàng có độ rủi ro thấp sang kiểm tra sau thông quan.
Về kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa XNK do ba bộ quản lý (Y tế,Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đề nghị Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với hai bộ còn lại thống nhất về quy trình, thủ tục kiểm tra.
Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu, công bố chưa áp dụng kiểm tra chất lượng trong NK đối với Danh mục hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Y tế để tránh vướng mắc hoặc chuyển kiểm tra chất lượng sang kiểm tra sau thông quan. Trường hợp cần quy định danh mục hàng hóa phải kiểm tra chất lượng trước khi thông quan thì cần quy định rõ quy trình kiểm tra, quy chuẩn kỹ thuật để có cơ sở thực hiện kiểm tra, đồng thời áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Y tế rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành; đồng thời công bố đầy đủ Danh mục hàng hóa thuộc diện KTCN khi NK, danh mục nào đã có quy chuẩn Việt Nam hoặc tiêu chuẩn Việt Nam; danh mục nào chưa có/đang xây dựng quy chuẩn/tiêu chuẩn.
Theo Bộ Tài chính, các Danh mục hàng hóa thuộc diện KTCN ban hành cần có đủ các tiêu chí: Tên hàng hóa, mã số HS, số hiệu QCVN/TCVN tương ứng, đơn vị/tổ chức kiểm tra, thời điểm kiểm tra, thời gian kiểm tra (nếu có).
Theo Baohaiquan.vn