Ai “xử phạt” nếu các cơ quan hành chính nhà nước làm sai?
Các quyết định hành chính cả ở cấp trung ương và địa phương liên quan đến việc lưu hành một số ca khúc đang là tâm điểm tranh luận của dư luận. Đằng sau các quyết định này cho thấy một vấn đề nền tảng khác cần phải quan tâm hiện nay: bảo vệ các quyền dân sự và kinh tế của người dân, doanh nghiệp trước sự lạm quyền hành chính từ cơ quan hành pháp.
Từ các quyết định hành chính bất hợp pháp
Mới đây, ông Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thông tin với báo chí rằng sẽ cấm lưu hành vĩnh viễn năm ca khúc sáng tác trước năm 1975, trong đó có ca khúc “Con đường xưa em đi” vì lời bị sửa so với bản gốc. Trên thực tế, cục này đã tạm dừng lưu hành năm bài hát này.
Lý do tạm dừng lưu hành các bài hát này, theo lập luận của Cục Nghệ thuật biểu diễn là không thuyết phục. Bởi việc bảo hộ lời bài hát đã có các quy định về bảo hộ sở hữu trí tuệ điều chỉnh. Theo đó, nếu một bên biểu diễn, hoặc thu âm và phát hành bài hát hát sai lời, sai nhạc và ảnh hưởng đến tác quyền của tác phẩm, người sở hữu bản quyền hoàn toàn có thể kiện bên vi phạm ra tòa để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Quan hệ giữa chủ thể sở hữu bản quyền, và chủ thể kinh doanh vì mục đích thương mại trong trường hợp này là quan hệ kinh tế - dân sự. Cơ quan quản lý hành chính nhà nước như Cục Nghệ thuật biểu diễn không có lý do chính đáng để can thiệp trong trường hợp này. Chưa nói đến những lợi ích giải trí, hưởng thụ văn hóa của công chúng, việc tạm dừng hay cấm lưu hành này có thể gây ra thiệt hại kinh tế trực tiếp cho các đơn vị kinh doanh băng đĩa nhạc, các công ty tổ chức biểu diễn ca nhạc.
Kinh nghiệm cho thấy, việc đặt các cơ quan hành chính trong áp lực bị giám sát bởi một thiết chế tư pháp sẽ khiến các cơ quan này cẩn trọng hơn, có trách nhiệm hơn và cân nhắc hơn khi sử dụng quyền lực hành chính của mình. |
Cũng liên quan đến lĩnh vực văn hóa, cách đây chưa lâu, tại Tiền Giang, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh này đã ra quyết định cấm một loạt bài hát trong danh mục các bài hát karaoke, trong đó có cả bài “Màu hoa đỏ” nổi tiếng của nhạc sĩ Thuận Yến. Song song với quyết định đó, sở này cũng cấm luôn người dân chuyển công năng từ nhà ở sang làm cơ sở kinh doanh karaoke. Dựa trên các quyết định đó, các đoàn kiểm tra liên ngành đã được tổ chức để tiến hành kiểm tra, xử phạt người dân mà theo họ là vi phạm quyết định.
Sau khi báo chí phát hiện, quyết định hành chính này bị cơ quan quản lý nhà nước cấp trên cho là trái pháp luật, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang đã phải thu hồi. Quyết định sai luật nhưng người dân đã bị phạt, bị thiệt hại do không được kinh doanh vì nó phải chấp nhận chịu thiệt hại!?
Đến việc bảo vệ người dân, doanh nghiệp khi cơ quan hành chính lạm quyền
Đây là những ví dụ thực tế cho thấy, rủi ro của người dân, doanh nghiệp bị xâm phạm quyền lợi bởi các quyết định hành chính bất hợp pháp từ các cơ quan hành chính, kể cả ở trung ương lẫn địa phương là rất cao. Hệ thống pháp luật hiện hành có những cơ chế giúp người dân, doanh nghiệp bảo vệ quyền của mình bằng cách khiếu nại quyết định hoặc hành vi hành chính; hoặc có thể khởi kiện các cơ quan hành chính ra tòa. Tuy nhiên, kể cả khi quyền hợp pháp bị xâm hại, và xảy ra thiệt hại thực tế, rất ít gặp các trường hợp người dân khiếu nại hoặc khởi kiện cơ quan hành chính ra tòa và yêu cầu được bồi thường thiệt hại.
Có rất nhiều lý do giải thích thực trạng này. Từ phía người dân, đó là niềm tin vào hệ thống tư pháp: liệu Tòa hành chính - với tư cách là một phần của “bộ máy nhà nước”, có thể đưa ra những phán quyết công bằng? Thứ hai, thời gian và chi phí cho việc theo đuổi một vụ kiện hành chính chắc chắn là lớn, trong khi mức bồi thường nếu nhận được chưa chắc đã bù đắp được chi phí bỏ ra. Nhìn từ hệ thống tòa, một loạt hạn chế về năng lực xét xử, về vị thế để đưa ra các phán quyết độc lập nhằm thực thi công lý vẫn là những tồn tại chưa có lời giải trong thời gian gần.
Khi doanh nghiệp làm sai, cơ quan hành pháp ở địa phương đương nhiên áp dụng chế tài với doanh nghiệp. Nhưng khi cơ quan quản lý làm sai và gây thiệt hại, các cơ quan này lại hầu như miễn nhiễm với trách nhiệm bồi thường thiệt hại hành chính. Càng miễn nhiễm với trách nhiệm, xu hướng lạm quyền lại càng được dung dưỡng và gia tăng.
Cải cách tư pháp để củng cố năng lực của các thiết chế tòa án bảo vệ quyền cho người dân, doanh nghiệp rõ ràng là yêu cầu cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Giảm thiểu lạm quyền hành chính không thể chỉ bằng những lời kêu gọi và nỗ lực cải cách từ trong hệ thống hành chính. Quan trọng hơn, cần phải có một hệ thống tư pháp có thể xét xử một cách công bằng các cơ quan hành chính khi người dân cầu viện tới. Kinh nghiệm cho thấy, việc đặt các cơ quan hành chính trong áp lực bị giám sát bởi một thiết chế tư pháp sẽ khiến các cơ quan này cẩn trọng hơn, có trách nhiệm hơn và cân nhắc hơn khi sử dụng quyền lực hành chính của mình.
Theo Thesaigontimes
Các tin khác
- » Thêm ưu đãi thuế Thu nhập cá nhân cho nhân lực trình độ cao(16/08/2016)
- » Hải quan TP.HCM kiến nghị nhiều nội dung thúc đẩy hoạt động XNK(16/08/2016)
- » Kiểm điểm người đứng đầu đơn vị để 213 container "mất tích"(16/08/2016)
- » Chịu tác động từ các FTA, số thu của Hải quan giảm mạnh(16/08/2016)
- » Ngăn ngừa doanh nghiệp lữ hành làm ăn chụp giật(16/08/2016)
- » TP.HCM: CPI chỉ tăng nhẹ trong tháng 2(16/08/2016)
- » Cá ngừ xuất khẩu cần tăng lượng chế biến(16/08/2016)
- » Ấn Độ- Top 20 bạn hàng lớn nhất của Việt Nam(16/08/2016)
- » Điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục cải thiện mạnh mẽ(16/08/2016)
- » Đình chỉ công tác 7 cán bộ công chức KBNN Nam Định đi lễ trong giờ hành chính(16/08/2016)