GCNNL TAU BIEN
PONTON ĐAT CAU
PONTON ĐAT CAU 1
TÀU CONTAINER 200 TIÊU
TAU DAU 1
TAU DAU
TÀU CONTAINER 250 TIÊU 1
TÀU CONTAINER 250 TIÊU.
GCNNLCS-8000T
TRANSIMEX 200.
TRANSIMEX 200
TÀU ĐÓNG CỌC
SP-ITC-07
SP-ITC-06-1
SP-ITC-06
CẦN THƠ 17
Tàu Dầu Đồng Tháp 9
Image Slider

Tập trung tăng lương trước hay tăng năng suất lao động

Ngày Đăng : 02/10/2017 - 02:05 PM

Năng suất lao động được coi là đòn bẩy của doanh nghiệp và là tiềm lực để thu hút vốn đầu tư, nhưng tại Việt Nam, trong những năm qua, tiền lương tối thiểu liên tục tăng qua các năm nhưng năng suất lao động lại giảm. Điều này đã khiến nhiều người đặt ra câu hỏi nguyên nhân vì sao mà năng suất của lao động Việt Nam lại thấp? Làm thế nào để giải được bài toán nâng cao năng suất lao động?

Cần thay đổi tư duy về lao động giá rẻ mà thay vào đó là tập trung xây dựng và phát triển một nguồn nhân lực chất lượng cao. Ảnh: Hương Dịu.

Thấp do đâu?

Khi công nhân giá rẻ không còn là lợi thế của Việt Nam thì năng suất lao động sẽ là yếu tố quyết định. Tuy nhiên, hiện năng suất lao động của Việt Nam thấp nhất trong khu vực và luôn đi sau so với mức tăng lương tối thiểu. Trong giai đoạn 2004 – 2015, năng suất lao động của Việt Nam chỉ tăng 4,4%, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng của lương trung bình còn nhanh hơn, đạt 5,8%. Điều này ngược với các nước như Trung Quốc (tốc độ tăng năng suất là 9,1%, tốc độ tăng lương trung bình là 8,8%), Indonesia (tốc độ tăng năng suất là 3,6%, tốc độ tăng lương trung bình là 2,6%), Singapore (tốc độ tăng năng suất là 1,8%, tốc độ tăng lương trung bình là 1,2%)…

Theo TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam, Việt Nam là một trong ba nước có năng suất lao động thấp nhất khu vực ASEAN. Từ năm 2000 đến nay, Việt Nam có sự cải tiến năng suất đáng kể, tăng hơn 3%/năm, tăng mạnh nhất ở khu vực công nghiệp và xây dựng. Khoảng cách năng suất lao động Việt Nam so với các nước trong khu vực ASEAN đang được thu hẹp dần. Tuy nhiên, khoảng cách về năng suất lao động của Việt Nam so với các nước phát triển còn khá xa.

So sánh với Singapore (nước có mức năng suất lao động cao nhất châu Á), năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/20 năm 2000 và bằng 1/14 năm 2014. Với một số quốc gia khác trong khối, năng suất lao động của Việt Nam năm 2010, bằng 1/6 Malaysia, 1/3 Thái Lan, 1/2 Philippines và gần bằng một nửa năng suất lao động của khối ASEAN. Năm 2014, khoảng cách giữa năng suất lao động của Việt Nam và các nền kinh tế khác trong khối ASEAN không những không được rút ngắn so với năm 2010 mà còn có dấu hiệu bị bỏ lại xa hơn.

Mặc dù có những cải thiện tích cực, song không thể phủ nhận thực tế là khoảng cách về năng suất lao động của Việt Nam so với các nền kinh tế dẫn đầu trong khu vực ngày một xa hơn. Thậm chí các nước đi sau như Lào, Campuchia, Myanmar cũng đã và đang thu hẹp khoảng cách với Việt Nam.

Các khảo sát đều chỉ ra rằng, ngoài cơ cấu lao động bất hợp lý, không sáng tạo trong quá trình làm việc, không thương hiệu… giá trị sản xuất của lực lượng lao động ở Việt Nam rất khó cải thiện. Năng suất lao động cũng vì thế rất khó đuổi kịp các nước phát triển. Các DN đánh giá kỹ năng, kỹ thuật của người lao động không phải là thấp, nhưng lại yếu ở kỹ năng nhận thức và hành vi. Bên cạnh đó, điều mà người lao động đang vừa thiếu vừa yếu so với nhu cầu của DN là khả năng thích nghi với môi trường làm việc; khả năng giao tiếp, tuân thủ các quy tắc nghề nghiệp; khả năng tương tác làm việc nhóm; khả năng tư duy logic và các kỹ năng mềm khác trong xử lý công việc.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, có nhiều nguyên nhân cơ bản kìm hãm năng suất lao động. Đầu tiên là chất lượng nguồn lao động thấp. Bên cạnh đó lực lượng lao động phân bố không đều, tập trung vào nơi lao động năng suất thấp, chủ yếu là nông nghiệp hơn 97%. Năng suất lao động của ngành kinh tế còn thấp, trong khi nông nghiệp chỉ bằng 1/3 công nghiệp, công nghiệp chỉ bằng 1/4 dịch vụ. Chuyển dịch cơ cấu lao động chậm không theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đồng thời mất cân đối giữa cung và cầu lao động, ứng dụng khoa học công nghệ chậm so với thế giới từ 10 đến 20 năm.

Tăng lương có là đòn bẩy?

Thời gian qua có nhiều ý kiến cho rằng, tiền lương là nguồn thu nhập chính để duy trì và nâng cao đời sống cho bản thân người lao động và gia đình họ, đồng thời giúp tái sản xuất sức lao động, là động lực để người lao động nâng cao năng suất. Khi đời sống của người lao động được đảm bảo, họ sẽ yên tâm làm việc một cách hiệu quả, do vậy năng suất lao động sẽ tăng lên. Tiền lương được trả phụ thuộc vào kết quả đầu ra và gắn với năng suất của người lao động, do đó tăng lương phải dựa trên tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, tiền lương cũng cần đảm bảo đủ sống và kích thích tăng năng suất lao động, phải được coi là sự đầu tư vào vốn con người, đầu tư cho phát triển, là yếu tố quyết định nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Hiện nay, tiền lương ở Việt Nam được đánh giá là khá thấp. Điều này một mặt tạo ưu thế cạnh tranh trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tuy nhiên, tiền lương thấp cũng tạo nên nhiều vấn đề trong quan hệ lao động. Tranh chấp lao động chủ yếu là về vấn đề tiền lương, BHXH (hơn 80% các cuộc ngừng việc tập thể là đòi tăng lương hoặc đòi trả đúng lương, nhất là lương làm thêm giờ, tiền thưởng, ăn giữa ca…). Vì vậy, bản thân các DN cũng cần tính toán để có mức lương xứng đáng với đóng góp của người lao động, tạo động lực để cống hiến nhiều hơn nữa.

Về vấn đề tăng lương với tăng năng suất lao động, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng cần hướng tăng lương bảo đảm đời sống cho người lao động. Tuy nhiên, năng suất lao động quá thấp không hẳn vì tiền lương, bởi nguyên nhân chính là do người quản lý. Bản thân người sử dụng lao động phải cải tiến sản xuất, tiết kiệm chi phí. Người lao động cần được trang bị công cụ, trang thiết bị tiên tiến, công nghệ cao.

“Không nên ngồi tranh luận xem mức tăng lương và tăng năng suất lao động cao hay thấp mà cả DN và người lao động đều cần tìm một giải pháp để vừa giúp người lao động tăng thu nhập vừa tăng năng suất lao động. Bởi nếu DN không chú ý đến việc cải thiện năng suất lao động thì dù người lao động muốn cũng khó có thể tăng được. Dù không muốn tăng lương, nhưng về lâu dài, việc tăng lương lại thúc đẩy DN sử dụng lao động hiệu quả và cải thiện tăng năng suất lao động. Do vậy, để cải thiện năng suất lao động, Việt Nam cần tập trung đầu tư vào 3 yếu tố: Vốn, khoa học công nghệ và con người. Trong đó, quan trọng nhất, để phát triển kinh tế một cách bền vững và đảm bảo bắt kịp các nước đã phát triển thì Việt Nam cần tập trung hơn nữa vào thúc đẩy tăng năng suất thông qua phát triển khoa học, công nghệ, kỹ thuật”, ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.

TS. Lê Huy Khôi, Trưởng ban Nghiên cứu và Dự báo thị trường, Viện Nghiên cứu Thương mại cho rằng, tăng lương tối thiểu sẽ cân bằng và điều hòa các bên khi tính đến lợi ích của người lao động lẫn sự chịu đựng của DN. Do vậy, việc điều chỉnh tăng lương nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động cần phải có những chính sách quan tâm đặc biệt đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động để tăng năng suất lao động. Đây chính là đòn bẩy cho việc tăng thu nhập, tăng tiền lương cho người lao động.

Về lâu dài, các chuyên gia kinh tế cho rằng, muốn cải thiện được năng suất lao động, quan trọng nhất là phải nâng cao được hàm lượng công nghệ, nâng cao chất lượng lao động, thay vì giá trị sản xuất chỉ dựa vào lợi thế nhân công giá rẻ và khai thác tài nguyên. Và quan trọng nhất là cần thay đổi tư duy về lao động giá rẻ mà thay vào đó là tập trung xây dựng và phát triển một nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo Baohaiquan.vn

Chuyên mục

Dịch vụ

  • Gia công cơ khí
    Ngày tạo: 08-09-16
    Công ty TNHH MTV Tư Lai II nhận gia công trục chân vịt, trục bánh lái ...
  • Vận Tải
    Ngày tạo: 07-09-16
    Công ty TNHH MTV Tư Lai II luôn mang đến cho khách hàng dịch vụ vận chuyển đường...
Go Top