GCNNL TAU BIEN
PONTON ĐAT CAU
PONTON ĐAT CAU 1
TÀU CONTAINER 200 TIÊU
TAU DAU 1
TAU DAU
TÀU CONTAINER 250 TIÊU 1
TÀU CONTAINER 250 TIÊU.
GCNNLCS-8000T
TRANSIMEX 200.
TRANSIMEX 200
TÀU ĐÓNG CỌC
SP-ITC-07
SP-ITC-06-1
SP-ITC-06
CẦN THƠ 17
Tàu Dầu Đồng Tháp 9
Image Slider

Chưa hết nỗi lo lạm phát 2017

Ngày Đăng : 06/07/2017 - 02:54 PM

Tháng 6/2017, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục giảm 0,17% so với tháng 5. Tuy vậy, để đạt được mục tiêu lạm phát dưới 4% như Quốc hội đề ra, các cơ quan chức năng còn phải vượt qua nhiều nguy cơ lớn đến từ thế giới cũng như trong nước.

Chỉ số giá tiêu dùng nhóm thực phẩm giảm 0,85% trong tháng 6/2017. Ảnh: H.Vân.

Không có biến động lớn

Theo thống kê mới nhất, CPI tháng 6/2017 tiếp tục giảm 0,17% so với tháng 5/2017, trong đó 3/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có CPI giảm, 8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có CPI tăng. Đó là: Nhóm giao thông giảm 0,71% chủ yếu do điều chỉnh giảm giá xăng, dầu tại thời điểm 20/6/2017 làm giá nhiên liệu giảm 1,47%, tác động làm CPI giảm 0,06%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,59% trong đó lương thực giảm 0,51% do lượng cung dồi dào; thực phẩm giảm 0,85% chủ yếu do giá thịt tươi sống giảm, tác động làm CPI giảm 0,19%; bưu chính viễn thông giảm 0,01%. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại có chỉ số giá tăng là nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,53%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,19%; giáo dục tăng 0,09%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,08%... Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm tăng 4,15% so với bình quân cùng kỳ năm 2016; CPI tháng 6 tăng 0,20% so với tháng 12/2016 và tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước.

Đánh giá chung, ông Nguyễn Lộc An - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho rằng, 6 tháng qua, thị trường hàng hóa không có biến động lớn, cung cầu luôn được đảm bảo kể cả trong những giai đoạn tiêu dùng cao điểm như lễ, tết, mặt bằng giá hàng hóa vẫn theo chiều hướng giảm so với cuối năm 2016. Trong dịp tết Nguyên đán, các mặt hàng thiết yếu khá bình ổn, nguồn cung hàng hóa được các địa phương, DN chuẩn bị tốt nên khá dồi dào, đa dạng. Tình hình sản xuất nông nghiệp thuận lợi cùng với chương trình bình ổn thị trường được nhiều địa phương triển khai khá tốt nên không có biến động lớn. Từ tháng 4/2017, thị trường các sản phẩm chăn nuôi gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ do XK thịt lợn sang Trung Quốc bị ngừng trệ; cung trong nước vượt cầu, giá các sản phẩm chăn nuôi khác như thịt gà, trứng gia cầm theo giá thịt lợn đã giảm mạnh so với trước đó (40-60%).

Phân tích cụ thể hơn nguyên nhân các biến động, ông Nguyễn Duy Thiện - đại diện Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính cho biết: Các yếu tố làm tăng CPI trong 6 tháng qua trước hết là do thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí vào giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và giáo dục của cơ sở công lập. Bên cạnh đó, nhu cầu, sức mua hàng hóa, dịch vụ, đi lại, du lịch tăng cao theo quy luật dịp tết Nguyên đán, nghỉ lễ 30/4, 1/5; giá nhiên liệu thị trường thế giới tăng và việc tăng lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động ở doanh nghiệp đã gây tác động vào mặt bằng giá nói chung.

Ở chiều ngược lại, có nhiều yếu tố khác lại làm giảm áp lực như công tác quản lý, điều hành giá tiếp tục được các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường thực hiện, bám sát tình hình thực tiễn; đồng thời có sự phối hợp tốt giữa các bộ, ngành, địa phương. Công tác điều hành giá cũng đã có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các bộ tổng hợp (Tài chính - Ngân hàng Nhà nước - Kế hoạch và Đầu tư) với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, nhất là điều hành giá một số mặt hàng quan trọng như giá xăng dầu, điện, dịch vụ khám chữa bệnh, dịch vụ giáo dục. Công tác bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, chuẩn bị nguồn hàng được chú trọng, nhất là trong dịp lễ, tết. Công tác tuyên truyền, công khai minh bạch thông tin về quản lý, điều hành giá được tăng cường hơn trước; chính sách tài khóa và tiền tệ đã được triển khai phối hợp hiệu quả trong điều hành tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu của Chính phủ. Nguồn cung hàng hóa tăng mạnh, đủ đáp ứng nhu cầu; cá biệt có mặt hàng vượt cầu (lợn thịt), góp phần giảm chỉ số CPI chung. Giá nhiên liệu, chất đốt trên thị trường thế giới giảm tác động vào giá trong nước.

Tuy chỉ số CPI 6 tháng không cao đã thắp lên hi vọng lạm phát cả năm 2017 sẽ đạt mục tiêu, song, theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Ngô Trí Long, hiện tượng này thể hiện sự không bền vững và không phải là điều đáng mừng vì phần thấp trong mặt bằng chung lại do một số sản phẩm chăn nuôi “rớt thảm” gây khó khăn cho người nông dân, buộc Nhà nước phải giải cứu.

Cũng theo ông Long, trước mắt còn rất nhiều nguy cơ đang gây bất lợi tới CPI. Trên thế giới, diễn biến giá dầu tiếp tục không ổn định do những biến động chính trị; giá nhiều loại hàng hóa nguyên vật liệu có xu hướng tăng cùng với đà phục hồi của kinh tế thế giới. Trong nước, vì giá thực phẩm mà cụ thể là giá thịt lợn đang ở vùng giá thấp nhất (khoảng 30.000-35.000 đồng/kg) nên người nông dân thua lỗ sẽ không tiếp tục chăn nuôi tái đàn dẫn đến nguồn cung giảm và giá tăng trở lại sẽ là tất yếu. Nhìn vĩ mô hơn, quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% cũng tạo áp lực lên lạm phát nếu Chính phủ chấp nhận nới lỏng chính sách tiền tệ ở mức độ vừa phải. “Với những áp lực trên, các cơ quan chức năng cần thận trọng với diễn biến lạm phát trong những tháng cuối năm 2017” - ông Long cảnh báo.

CPI cần dưới 4%

Đưa ra phương hướng điều hành, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) xác định, trong 6 tháng cuối năm, công tác quản lý, điều hành giá cần tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và có hiệu quả. Trong đó, các bộ, ngành và địa phương sẽ tiếp tục chủ động và phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý giá, điều hành giá để giảm nhẹ các rủi ro của áp lực tăng giá, bên cạnh đó, khai thác triệt để các yếu tố giảm giá hàng hóa dịch vụ theo yếu tố thị trường để kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân năm 2017 ở mức dưới 4%, từ đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ cho tăng trưởng, đồng thời đạt mục tiêu điều chỉnh giá một số dịch vụ công theo lộ trình thị trường. Ngoài ra, các bộ, ngành địa phương cần tập trung theo dõi diễn biến cung cầu, thị trường trong nước và quốc tế để kịp thời thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu nhằm bình ổn giá cả thị trường, nhất là những mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống như điện, xăng dầu, phân bón, khí hóa lỏng, thuốc bảo vệ thực vật, sữa trẻ em; tăng cường quản lý thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá gắn với kiểm tra chấp hành pháp luật về thuế, phí; kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá nhất là đối với các mặt  hàng do Nhà nước quản lý; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đối với việc thực hiện lộ trình  một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu, các bộ, ngành, Tổng cục Thống kê và các địa phương cần phải phối hợp chặt chẽ, tính toán mức độ và thời điểm điều chỉnh phù hợp giúp kiểm soát mặt bằng giá chung.

Khuyến nghị thêm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nêu: Để thực hiện mục tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4% trong năm nay do Quốc hội đề ra, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trước hết, cơ quan quản lý cần xác lập kịch bản giá cho từng mặt hàng trong rổ hàng hóa tính lạm phát (lạm phát cơ bản, y tế, giáo dục, thực phẩm, xăng dầu,...) cập nhật thường xuyên thông tin thị trường và kiên trì điều hành giá theo tín hiệu thị trường là những việc đặt ra cho các bộ, ngành và địa phương để thực hiện kiểm soát lạm phát trong năm nay. Bên cạnh đó, phải điều hành chặt chẽ, phối hợp nhanh nhạy, kịp thời, nhịp nhàng và quan trọng hơn vẫn là ý thức phối hợp giữa các bộ; tiếp tục phải kiểm soát được giá cả, cung cầu hàng hóa, cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ cho thị trường  nhằm triệt tiêu hoàn toàn cả lạm phát kỳ vọng trước những biến động thị trường. Trong đó, cần kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; giám sát chặt chẽ kê khai giá của doanh nghiệp đối với mặt hàng bình ổn, mặt hàng kê khai giá,...

Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cần chủ động và phối hợp chặt chẽ hơn trong đánh giá tình hình, xây dựng các phương án điều hành giá, lãi suất, tỷ giá để chủ động kiểm soát lạm phát. Trước khi điều chỉnh giá của các loại hàng hóa và dịch vụ kể trên cần tính toán, thống nhất phương án.

Chuyên mục

Dịch vụ

  • Gia công cơ khí
    Ngày tạo: 08-09-16
    Công ty TNHH MTV Tư Lai II nhận gia công trục chân vịt, trục bánh lái ...
  • Vận Tải
    Ngày tạo: 07-09-16
    Công ty TNHH MTV Tư Lai II luôn mang đến cho khách hàng dịch vụ vận chuyển đường...
Go Top